Cơ hội và thách thức với Big Tech

Sau giai đoạn phát triển bùng nổ trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành, các “ông lớn công nghệ” (Big Tech) đang nỗ lực vượt qua những khó khăn phát sinh từ tình hình ảm đạm của kinh tế toàn cầu. Những bước tiến vượt trội của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) cũng đặt nhóm Big Tech trước áp lực nặng nề phải nâng cao khả năng cạnh tranh.
0:00 / 0:00
0:00
Logo của Google bên ngoài cửa hàng Google Store Chelsea ở Manhattan, New York, Mỹ. (Ảnh: Reuters)
Logo của Google bên ngoài cửa hàng Google Store Chelsea ở Manhattan, New York, Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Làn sóng sa thải nhân viên quy mô lớn của hàng loạt công ty công nghệ cho thấy các doanh nghiệp này “thắt lưng buộc bụng” nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn, khi triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự đoán khá mong manh và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Báo cáo mới đây cho thấy, vào tháng 1/2023, tình trạng sa thải nhân công ở Mỹ đạt mức cao nhất trong hơn hai năm qua khi hàng loạt công ty công nghệ cắt giảm việc làm trên quy mô lớn. Hơn 102.940 việc làm bị cắt giảm tại Mỹ trong tháng 1/2023, cao gấp năm lần so với mức cùng kỳ năm ngoái.

Nhìn vào mức doanh thu ảm đạm của các Big Tech, dễ hiểu lý do vì sao các doanh nghiệp này phải cắt giảm hàng nghìn vị trí việc làm. Nhu cầu tiêu dùng đối với ngành công nghệ giảm mạnh sau thời kỳ đại dịch, lạm phát cao dai dẳng và lãi suất tăng khiến các công ty công nghệ lao đao, cần tiết kiệm chi phí vận hành.

Cụ thể, doanh thu của Microsoft trong quý IV năm 2022 đạt 52,7 tỷ USD, tương đương mức tăng trưởng 2% so với cùng kỳ năm trước đó và đánh dấu mức tăng trưởng doanh thu thấp nhất kể từ quý II năm 2016. Nguyên nhân là các công ty, gia đình và chính phủ từng mạnh tay mua sắm máy tính trong thời kỳ dịch Covid-19, nay giảm mạnh về nhu cầu.

Hoạt động kinh doanh sa sút không phải là rắc rối duy nhất mà các công ty công nghệ đang vướng mắc. Ngày càng nhiều quốc gia vào cuộc siết chặt quản lý với các nền tảng công nghệ. Google, Meta, Twitter, Apple đang đối mặt với các quy định nghiêm ngặt hơn của Liên minh châu Âu (EU) về nội dung trực tuyến.

Theo Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA), những công ty có hơn 45 triệu người dùng được coi là các nền tảng trực tuyến rất lớn và có nhiều nghĩa vụ hơn như quản lý rủi ro, kiểm toán độc lập. Các doanh nghiệp này cũng phải chia sẻ dữ liệu với nhà chức trách và giới nghiên cứu, cũng như áp dụng bộ quy tắc đạo đức.

Hoạt động kinh doanh sa sút không phải là rắc rối duy nhất mà các công ty công nghệ đang vướng mắc. Ngày càng nhiều quốc gia vào cuộc siết chặt quản lý với các nền tảng công nghệ. Google, Meta, Twitter, Apple đang đối mặt với các quy định nghiêm ngặt hơn của Liên minh châu Âu (EU) về nội dung trực tuyến.

Thời gian qua, ứng dụng trò chuyện tự động ChatGPT của công ty OpenAI (có trụ sở tại Mỹ) đã tạo ra sự bùng nổ trên truyền thông đại chúng, khẳng định xu thế phát triển của AI. ChatGPT được nhận định khiến người sử dụng có cảm giác như đang nói chuyện với một người thật, có kiến thức sâu rộng về nhiều chủ đề khác nhau.

Các “gã khổng lồ công nghệ” như Google, Meta... từng tính đến việc đầu tư vào AI, song việc ChatGPT “phủ sóng” mạnh mẽ mới thật sự khiến các Big Tech đứng ngồi không yên.

Hồi cuối tháng 1/2023, Microsoft xác nhận đã đầu tư hàng tỷ USD vào OpenAI, động thái được nhận định có thể giúp Microsoft giành thị phần từ tay đối thủ Google trong lĩnh vực công cụ tìm kiếm. Google cũng thông báo sắp ra mắt công cụ trò chuyện Bard, có trang bị AI, nhằm cạnh tranh với ChatGPT.

Mặc dù AI mở ra những cơ hội phát triển mới cho các công ty công nghệ song để kiểm soát, bảo đảm cung cấp cho người dùng các sản phẩm công nghệ AI vừa hữu ích vừa an toàn và đáng tin cậy lại là việc không đơn giản. Cao ủy Liên hợp quốc về quyền con người Volker Turk (V.Tớc) cảnh báo, những bước phát triển của AI đang đặt ra rủi ro lớn đối với quyền con người, do đó cần có cơ chế bảo vệ trước các trường hợp vi phạm.

Trong tuần qua, có hơn 60 quốc gia kêu gọi phải có các quy định về AI để bảo đảm công nghệ này không phương hại đến tình hình an ninh, ổn định quốc tế. Đã có nhiều ý kiến chỉ trích liên quan đến sản phẩm AI, như vi phạm quyền riêng tư, tạo thông tin sai lệch, gian lận về học vấn, tạo các thuật toán mang tính thiên vị...

Cuộc cạnh tranh về AI đang ngày một nóng dần. Không thể phủ nhận, đây là một “mảnh đất màu mỡ” để các công ty công nghệ, nhất là các Big Tech, thúc đẩy hướng phát triển mới. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, việc đưa ra chiến lược kinh doanh mới cần thận trọng và có trách nhiệm, để cung cấp đến người dùng những sản phẩm công nghệ an toàn và chất lượng cao.