Hàng loạt quy định quản lý đang tạo sức ép với các Big Tech

Hàng loạt quy định siết chặt kiểm soát các nền tảng trực tuyến đang tạo gánh nặng cho các công ty công nghệ lớn (Big Tech). Hoạt động đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI), hướng phát triển đầy triển vọng, cũng vấp phải khó khăn khi ngày càng nhiều nước thúc đẩy quản lý chặt chẽ AI.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Liên minh châu Âu (EU) mới đây quyết định áp đặt các quy tắc quản lý khắt khe đối với 19 nền tảng trực tuyến có lượng người dùng lớn, trong đó có Instagram, TikTok và Twitter. Theo đó, 19 nền tảng trong danh sách sẽ chịu các biện pháp kiểm soát như kiểm toán hằng năm, kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ đối phó hiệu quả với nạn tin giả và nội dung gây thù hận...

Với động thái nêu trên, châu Âu đang củng cố vai trò quản lý của mình với các công ty công nghệ nhằm mang lại môi trường an toàn, trong sạch cho người sử dụng mạng.

Từ đầu năm 2023 đến nay, không ít "đại gia" công nghệ bị chính phủ các nước tuýt còi và đối mặt rắc rối pháp lý liên quan vấn đề độc quyền, tin giả, rò rỉ dữ liệu.

Từ đầu năm 2023 đến nay, không ít "đại gia" công nghệ bị chính phủ các nước tuýt còi và đối mặt rắc rối pháp lý liên quan vấn đề độc quyền, tin giả, rò rỉ dữ liệu. Bộ Tư pháp Mỹ đã kiện tập đoàn Google với cáo buộc độc quyền thao túng thị trường quảng cáo trực tuyến, mở ra cuộc chiến pháp lý nhằm vào "gã khổng lồ" này. Trong khi đó, tập đoàn công nghệ Meta bị phạt 390 triệu euro vì vi phạm luật dữ liệu cá nhân của EU trên nền tảng mạng xã hội Facebook và Instagram.

Giữa lúc ngày càng nhiều nước siết chặt "chiếc vòng kim cô" cùng sức ép gia tăng từ các tổ chức bảo vệ quyền lợi người dùng mạng, giới Big Tech buộc phải có những động thái lấy lại lòng tin nơi người sử dụng.

Gần đây, Google mở rộng chiến dịch nhận diện thông tin sai lệch ở châu Âu. Twitter khôi phục tính năng giới thiệu các nguồn hỗ trợ thông tin để bảo đảm an toàn cho người sử dụng khi tra cứu những nội dung nhạy cảm như tự làm hại bản thân hay tự tử, sau khi hứng chịu áp lực từ dư luận vì dỡ bỏ tính năng này.

Tin vui hiếm hoi với các Big Tech lúc này là mức doanh thu khả quan hơn so với các dự đoán được đưa ra trước đó. Các công ty công nghệ phải trải qua năm 2022 với nhiều sóng gió khi doanh thu ảm đạm, chủ yếu do tình hình khó khăn chung của nền kinh tế và sự thay đổi thói quen sử dụng mạng của khách hàng sau đại dịch Covid-19.

Năm 2023, sau khi sa thải hàng nghìn nhân viên để tiết kiệm chi phí và tập trung đầu tư vào AI, Microsoft và Alphabet ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan hơn, song vẫn còn nhiều bấp bênh. Giá cổ phiếu của các tập đoàn này tăng lên nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức của năm 2021, thời điểm mà doanh thu từ quảng cáo tăng vọt. Trong quý cuối cùng của năm 2022, doanh thu quảng cáo trên YouTube của tập đoàn Alphabet là 7,96 tỷ USD, thấp hơn mức 8,25 tỷ USD mà công ty dữ liệu StreetAccount từng dự báo. Trong khi đó, doanh thu từ quảng cáo của Twitter được dự báo sẽ giảm 28% xuống còn 2,98 tỷ USD trong năm 2023.

Cuộc chạy đua về AI ngày một nóng bởi nhiều tập đoàn công nghệ coi đây là hướng phát triển chiến lược. Cuộc chơi sẽ "ngốn" nhiều công sức, tiền bạc và không dễ dàng, trong bối cảnh môi trường kinh doanh không mấy thuận lợi như hiện nay. Mới đây, 17 nghị sĩ của EU gửi bức thư ngỏ kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen triệu tập hội nghị cấp cao bàn về những cách thức kiểm soát quá trình phát triển của AI.

Trong thời đại kỹ thuật số, con người ngày càng có xu hướng hoạt động trực tuyến nhiều hơn, kéo theo vô vàn nguy cơ tiềm ẩn từ không gian mạng. Thực tiễn này đòi hỏi các công ty cần thắt chặt quy định và có trách nhiệm trong phát triển các sản phẩm công nghệ của mình nhằm cung cấp môi trường mạng lành mạnh, an toàn cho người sử dụng, đồng thời nêu cao tinh thần cạnh tranh công bằng trên thị trường kỹ thuật số.