Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường vừa có văn bản số 4247/TB-TTKQH thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024.
Theo đó, ngày 12/9/2024, tại Phiên họp thứ 37 (tháng 9/2024), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024.
Kết luận nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với Báo cáo số 399/BC-CP ngày 30/8/2024 của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra sơ bộ số 3157/BC-UBPL15 ngày 11/9/2024 của Thường trực Ủy ban Pháp luật; đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương trong năm 2024 đã nỗ lực, trách nhiệm, quyết liệt, bám sát các yêu cầu của Đảng, Quốc hội, đổi mới phương thức thực hiện, phát huy các ưu điểm và khắc phục các tồn tại, hạn chế, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật.
Để tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công tác thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết trong thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm trong công tác tổ chức thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đồng thời, chú trọng thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; khẩn trương khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế đã nhận diện thời gian qua trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, nhất là tình trạng chậm gửi hồ sơ dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ban hành văn bản quy định chi tiết chưa bảo đảm thời hạn quy định.
Cùng với đó, xử lý kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, có dấu hiệu trái pháp luật được phát hiện sau giám sát, kiểm tra, rà soát; tập trung đầu tư nguồn lực, bảo đảm các điều kiện cần thiết cho công tác xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển và tăng cường hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH) |
Phối hợp với các cơ quan của Quốc hội xây dựng Đề án về đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả (hoàn thành trong năm 2024) để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong năm 2025 theo yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia vào quy trình xây dựng pháp luật thực hiện nghiêm Quy định số 178-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, kịp thời phát hiện và xử lý những quy định có dấu hiệu sơ hở, cài cắm “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ, tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực; Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tăng cường công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức giám sát chuyên đề, giải trình về các nội dung văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không phù hợp với thực tiễn; chủ động theo dõi, kịp thời đôn đốc việc thực hiện các kết luận, nghị quyết, kiến nghị giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.
Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện Báo cáo gửi đại biểu Quốc hội trước ngày 22/9/2024, trong đó cần bổ sung, làm rõ các nội dung: việc xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan để xảy ra chậm trễ trong việc triển khai thi hành luật, nghị quyết, ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật; kết quả xử lý các văn bản ban hành chậm, văn bản có dấu hiệu trái pháp luật được phát hiện qua công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội năm 2023; kết quả thực hiện các nhiệm vụ được nêu tại mục 8 và mục 9 của Nghị quyết số 142/2024/QH15 về Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra chính thức Báo cáo của Chính phủ để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 thảo luận chung trong các nội dung về kinh tế-xã hội và báo cáo công tác khác của Chính phủ.