Đề cập về sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Hóa chất, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, sau 16 năm thi hành, việc thực thi Luật Hóa chất đã mang lại những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Ngành công nghiệp hóa chất đã có bước phát triển mạnh mẽ, sản phẩm hóa chất sản xuất trong nước đã đa dạng hơn về chủng loại, chất lượng được cải thiện, một số lĩnh vực của ngành đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình bày Tờ trình về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH) |
Luật Hóa chất và các văn bản dưới luật đã hình thành một hệ thống quy định quản lý hóa chất tương đối toàn diện từ trung ương đến địa phương. Công tác an toàn hóa chất được nâng cao vai trò và chất lượng, góp phần giảm thiểu những rủi ro và tác động tiêu cực của hóa chất đến con người, môi trường, tài sản, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Luật Hóa chất năm 2007 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Từ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn nêu trên, Chính phủ đề xuất sửa đổi Luật Hóa chất năm 2007 nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp hóa chất với tính chất là ngành công nghiệp nền tảng, đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, Thường trực Ủy ban tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Hóa chất (sửa đổi). Thời gian gửi hồ sơ dự án bảo đảm đúng quy định; đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: DUY LINH) |
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật nghiên cứu, bổ sung thông tin; báo cáo kỹ hơn vấn đề về giới, tiếp tục rà soát dự thảo Luật với các luật khác và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
Rà soát các quy định, bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật
Tham gia thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với việc sửa đổi Luật Hóa chất (sửa đổi); đồng thời tập trung vào một số nội dung: sự đồng bộ của Luật Hóa chất với các luật khác; các hành vi bị cấm đối với hóa chất; quản lý hóa chất độc hại và nguy hiểm.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát các quy định của dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) để phù hợp và thống nhất với Luật Dược, Luật Bảo vệ môi trường.
Đối với các hành vi bị cấm trong dự án Luật, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị cần quy định rõ không chỉ có công bố các hành vi bị cấm mà còn phải kịp thời công bố thông tin từng hóa chất, hàng hóa bị cấm nhằm bảo đảm an toàn cho người dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định yêu cầu Ban soạn thảo dự án Luật làm rõ hơn về phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng hiện đại nằm trong 4 chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn góp ý kiến vào dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH) |
Góp ý vào dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh cần tiếp tục rà soát, thể chế hóa chủ trương, xây dựng và triển khai việc cấm sử dụng các loại hóa chất độc hại, gây ảnh hưởng tới nguồn nước; tiếp tục chủ động, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường quản lý tài nguyên môi trường…
Trong khuôn khổ phiên thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn đóng góp ý kiến vào việc quản lý việc kinh doanh, vận chuyển hóa chất; định hướng quy hoạch khu công nghiệp hóa chất phải có sự thống nhất với quy hoạch quốc gia...
Cụ thể hóa tối đa trong luật những nội dung đã được kiểm nghiệm, áp dụng ổn định trong thực tiễn
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm Chính phủ cần tập trung thực hiện để hoàn thiện dự án Luật, cụ thể là tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển công nghiệp hóa chất đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế, ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách khuyến khích đủ mạnh để phát triển những lĩnh vực ưu tiên của các ngành công nghiệp nền tảng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải. (Ảnh: DUY LINH) |
Trong đó, ưu tiên phát triển các loại hóa chất cơ bản, hóa dầu, hóa dược, khuyến khích phát triển công nghiệp cơ khí, hóa chất và công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp và chế biến nông lâm, thủy sản. Nghiên cứu để thể chế hóa Kết luận số 36 của Bộ Chính trị về lộ trình cấm sử dụng các loại hóa chất độc hại gây ô nhiễm nguồn nước và Kết luận số 81 về việc chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai.
Cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần rà soát phạm vi, đối tượng điều chỉnh để đáp ứng yêu mục tiêu, yêu cầu sửa đổi luật, bảo đảm không chồng chéo với các luật khác, không tạo ra khoảng trống pháp lý trong hoạt động hóa chất, bảo đảm phù hợp, tương thích với các điều ước quốc tế và các công ước về hóa chất.
Đồng thời, cụ thể hóa tối đa trong luật những nội dung đã được kiểm nghiệm, áp dụng ổn định trong thực tiễn; rà soát quy định về áp dụng luật, điều khoản thi hành bảo đảm khả thi, không xảy ra vướng mắc khi áp dụng, chỉ đưa vào luật nội dung cần thiết, tuân thủ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính thống nhất khi áp dụng luật và không đi vào vấn đề chi tiết các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các Bộ, ngành đã quy định và kết luận.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật; làm rõ các nội dung cơ quan thẩm tra đề nghị; tiếp thu đầy đủ các giải trình, các ý kiến tham gia đóng góp. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra chính thức để trình Quốc hội xem xét.