Sẽ kiểm tra, thanh tra chuyên ngành bảo hiểm xã hội tại 10 địa phương trong năm 2024

Trong năm 2024, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ thực hiện kiểm tra, thanh tra chuyên ngành tại 10 tỉnh, thành phố. Đó là các địa phương : Bình Dương, Hải Phòng, Bạc Liêu, Kon Tum, Hà Nam, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Quảng Bình và Tiền Giang.
0:00 / 0:00
0:00
Bảo hiểm xã hội Hà Nội công bố quyết định thanh tra doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ở địa bàn năm 2023. (Ảnh: HSS)
Bảo hiểm xã hội Hà Nội công bố quyết định thanh tra doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ở địa bàn năm 2023. (Ảnh: HSS)

Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa ban hành Quyết định số 2039/QĐ-BHXH về việc ban hành kế hoạch kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và thanh tra, kiểm tra liên ngành năm 2024.

Theo kế hoạch, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ kiểm tra, thanh tra chuyên ngành tại 10 tỉnh, thành phố.

Đó là các địa phương sau: Bình Dương (18 đơn vị), Hải Phòng (8 đơn vị), Bạc Liêu (6 đơn vị), Kon Tum (6 đơn vị), Hà Nam (8 đơn vị), Đắk Lắk (9 đơn vị), Đồng Tháp (6 đơn vị), Sóc Trăng (8 đơn vị), Quảng Bình (7 đơn vị), Tiền Giang (8 đơn vị).

Theo kế hoạch, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ kiểm tra, thanh tra chuyên ngành tại 10 tỉnh, thành phố.

Cùng với đó, cơ quan này thực hiện kiểm tra chuyên đề về thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại 8 tỉnh gồm: An Giang, Thừa Thiên Huế, Hà Giang, Nghệ An, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Thanh Hóa.

Bên cạnh đó, thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại Tổng Công ty Hàng không Việt Nam và một số công ty thành viên.

Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng giao bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành thanh tra chuyên ngành đóng 6.964 đơn vị; thanh tra, kiểm tra liên ngành 2.254 đơn vị. Đồng thời, kiểm tra 5.026 đơn vị sử dụng lao động, 529 cơ sở khám, chữa bệnh và 516 tổ chức dịch vụ thu, dịch vụ chi trả.

Trong năm 2024, thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại Tổng Công ty Hàng không Việt Nam và một số công ty thành viên.

Trong đó, 5 địa phương có số đơn vị được thanh tra chuyên ngành đóng cao nhất là: Thành phố Hồ Chí Minh (660 đơn vị); Hà Nội (650 đơn vị); Phú Thọ (200 đơn vị); Đồng Nai (195 đơn vị); Nghệ An (180 đơn vị); Bình Dương (180 đơn vị).

Trước đó, trong năm 2023, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tăng cường đổi mới, đẩy mạnh thực hiện thanh tra, kiểm tra, nhất là thanh tra chuyên ngành đóng đột xuất các đơn vị sử dụng lao động và xử phạt nghiêm các vi phạm.

Đến hết tháng 12/2023, cơ quan này đã chủ trì và phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 18.707 đơn vị. Tổng số tiền các đơn vị bị thanh tra, kiểm tra chậm đóng trước khi có quyết định thanh tra, kiểm tra là 1.504,1 tỷ đồng, số đã khắc phục, nộp tiền chậm đóng ngay sau khi kiểm tra là 909,8 tỷ đồng (bằng 60,5%). Phát hiện 44.859 trường hợp sai phạm về đối tượng, mức đóng với số tiền truy thu 132,6 tỷ đồng; yêu cầu thu hồi về Quỹ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tổng số tiền 139,5 tỷ đồng do hưởng chế độ không đúng quy định, bằng 186% so với năm 2022.

Nhờ các giải pháp quyết liệt, linh hoạt, đồng bộ của toàn ngành, tính đến hết năm 2023, số tiền thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế tăng 8,55% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 101,41% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.

Số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ghi nhận ở mức thấp nhất từ năm 2016 trở lại đây, giảm từ 6% (năm 2016) xuống còn 2,69% số phải thu.