Thời gian qua, bên cạnh việc các giải pháp đôn đốc thu, thu nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm được xác định là giải pháp tích cực trong việc tăng thu, giảm tình trạng chậm đóng và răn đe, phòng ngừa, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các chủ thể tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, đồng thời thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.
Chậm đóng bảo hiểm xã hội ở tất cả các loại hình doanh nghiệp
Tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp quý III/2022, Phó Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ, thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Đinh Duy Hùng cho biết, đến nay số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phải tính lãi là 14.577 tỷ đồng, chiếm 3,38% số phải thu.
Thời gian qua, với sự nỗ lực của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành liên quan, tình trạng nợ đọng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đang có chiều hướng giảm. "Tuy nhiên, việc chậm đóng vẫn diễn ra tương đối phổ biến ở tất cả các loại hình doanh nghiệp, nguyên nhân chủ yếu vẫn là ý thức chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của một số doanh nghiệp chưa cao; cố tình chây ỳ để nợ kéo dài làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động trong việc thụ hưởng các chính sách an sinh"- ông Đinh Duy Hùng cho biết.
Để giảm số tiền chậm đóng và bảo đảm quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, trong ba tháng cuối năm 2022, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tăng cường các giải pháp đôn đốc thu, thu nợ bảo hiểm xã hội: Phân công lãnh đạo, cán bộ xây dựng kế hoạch hằng tuần, hằng tháng nắm bắt hoạt động của đơn vị, đôn đốc rà soát dữ liệu thuế, kế hoạch đầu tư; phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu hằng tháng về thu, giảm số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp năm 2022; đồng thời tăng cường thanh tra chuyên ngành đột xuất đối với doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội từ ba tháng trở lên, các đơn vị chưa đóng hoặc đóng chưa đầy đủ cho người lao động.
Tăng cường thanh tra chuyên ngành, thu hồi nợ đọng
Phó Vụ trưởng Thanh tra-Kiểm tra (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Phạm Tuấn Cường cho biết, kết quả đạt được từ công tác thanh tra chuyên ngành việc đóng bảo hiểm và xử lý vi phạm đã góp phần tạo chuyển biến rõ nét. Trước đây, các doanh nghiệp thường né tránh đoàn thanh tra, không làm việc hoặc cử người không có thẩm quyền tham gia làm việc khiến công tác thanh tra khó xử lý. Từ khi công tác thanh tra cơ quan bảo hiểm xã hội phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an thực hiện, các doanh nghiệp đã chủ động hơn trong việc khắc phục chậm đóng, đóng thiếu...
Tính đến hết tháng 9/2022, cơ quan công an và cơ quan Bảo hiểm xã hội ở tất cả các tỉnh, thành phố đã phối hợp, đôn đốc thu hồi nợ đọng gần 500 tỷ đồng. Trong đó, một số tỉnh thực hiện rất hiệu quả việc phối hợp, như: Bình Dương, chín tháng đầu năm 2022, Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp cơ quan công an thu hồi nợ bảo hiểm xã hội của 88 đơn vị với hơn 30 tỷ đồng; Bảo hiểm xã hội thành phố Đà Nẵng và Công an thành phố phối hợp chặt chẽ cung cấp thông tin, tài liệu liên quan doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn để phát hiện và xử lý vấn đề liên quan chủ doanh nghiệp bỏ trốn...
Để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp những tháng cuối năm 2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã quyết liệt chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố áp dụng triệt để các giải pháp thu hồi nợ, trong đó có giải pháp tổ chức đoàn thanh tra chuyên ngành tập trung thanh tra phương thức đóng, linh hoạt lựa chọn địa điểm thanh tra bằng việc mời đơn vị đến làm việc tại cơ quan, rút gọn thời gian thanh tra... Đặc biệt, các cơ quan liên quan sẽ phối hợp lập hồ sơ chuyển cơ quan điều tra xử lý đơn vị cố tình trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Triển khai đồng bộ các nội dung trên, chỉ trong tháng 8 và tháng 9/2022, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện thanh tra chuyên ngành đột xuất tại 2.233 đơn vị chậm đóng từ ba tháng trở lên và có số nợ lớn. Sau thanh tra, ngoài việc yêu cầu các đơn vị sử dụng lao động thực hiện kịp thời nghĩa vụ phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp mới phát sinh, còn thu hồi hơn 250 tỷ đồng tiền nợ cũ. Dự kiến trong những tháng còn lại của năm 2022, số tiền chậm đóng được thu hồi qua thanh tra sẽ đạt khoảng 200 tỷ đồng/tháng.
Cùng với việc tăng cường thu hồi nợ, giảm tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp năm 2021 và chín tháng năm 2022, thông qua công tác thanh tra đã phát hiện: 92.380 người chưa tham gia (năm 2021 là 42.000 người, chín tháng năm 2022 là 50.380 người); đóng thiếu thời gian, đóng thiếu mức đóng với số tiền truy đóng là 246,6 tỷ đồng (trong đó năm 2021 là 127,5 tỷ đồng, chín tháng năm 2022 là 119 tỷ đồng)...