Sau lũ, đưa dân về làng mới Măng Lăng

NDO - Sau mưa lũ, sạt lở núi, những làng mới, vùng cư dân mới dần hình thành ở núi cao tỉnh Quảng Ngãi. Bà con làng bản được về nơi ở khang trang, an toàn hơn. Dựng nhà, an cư làng mới là niềm vui, mong ước của người dân ở những nơi thường xuyên chạy trốn lũ quét, lở núi.
0:00 / 0:00
0:00
Vợ chồng Đinh Thị Giàu và Đinh Văn Đua dựng nhà ở làng mới Măng Lăng.
Vợ chồng Đinh Thị Giàu và Đinh Văn Đua dựng nhà ở làng mới Măng Lăng.

Dựng nhà trên làng mới

Ai cũng cười. Khuôn mặt của phụ nữ lẫn đàn ông ở làng mới Măng Lăng giãn ra. Nếp nhăn trên khóe mắt không làm già đi, bởi ánh nhìn tươi sáng từ trong đáy mắt người làng. Vợ ôm tấm ván lớn từ khoảng đất rộng chuyển vào bên trong cho chồng ráp lên thành tường nhà. Chung quanh, anh em họ hàng gần mươi người xếp ngói, cưa gỗ chung tay cho căn nhà mới. Mươi tháng qua, cảnh đông đúc ấy ở vùng núi cao huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi. Bà con về làng mới.

Căn nhà sàn gỗ vợ chồng Đinh Thị Giàu và Đinh Văn Đua ở làng mới Măng Lăng gần xong sau hơn một tuần ráp dựng. Cột nhà, ván gỗ tận dụng từ căn nhà cũ sạt lở còn sót lại, vợ chồng Giàu mua thêm ít gỗ, ngói mới đủ cho nơi ở 50m2. Tết này vợ chồng con cái Giàu sẽ có nhà mới. “Con rể, em ruột anh chị giúp nhau dựng nhà sàn mới đấy. Làm từ từ có tiền thì làm rộng thêm ra vì ở luôn chứ không đi nữa”, Giàu cười khoe niềm vui.

Sau lũ, đưa dân về làng mới Măng Lăng ảnh 1

Niềm vui trên gương mặt của chị Đinh Thị Quân và Đinh Thị Sao khi cùng chuyển đến làng mới sau nhiều năm chạy trốn lũ quét.

Có từng chạy trốn núi sạt ban đêm, từng hồi hộp những ngày lũ mới thấu được sự an vui của làng bản rừng núi. Niềm mơ ước giản đơn nhất của Đinh Thị Quân là có chỗ ở an toàn. Có thể người đồng bằng cười ngạc nhiên với niềm mơ ước bình thường ấy nhưng với người phụ nữ triền núi như Quân, đó là mạng sống của cả nhà mình.

Vợ chồng Quân về nhà mới làng Măng Lăng. Căn nhà nhỏ, làm từ ván gỗ cũ tạm bợ. Chưa có tiền nên Đinh Thị Quân ở tạm, chờ chính sách vay vốn sẽ dành dụm làm nhà tốt hơn. “Không về nơi cũ đâu. Nhà nước cấp đất cho ở mà quay về chỗ sạt lở là không được đâu. Ở đây đỡ sợ hơn và cũng được chăm lo như nơi cũ mà”, Đinh Thị Quân kiên quyết.

Làng mới Măng Lăng cách Ủy ban nhân dân xã Sơn Long hơn 1km, cách nơi sạt lở núi cũ non 2km. Mỗi gia đình về làng mới được cấp 400m2 đất ở, chăn nuôi, trồng trọt nhỏ chung quanh. Làng trên đất phẳng, đường giao thông, điện chiếu sáng bảo đảm cuộc sống cơ bản cho bà con chuyển về an cư.

An cư ở vùng đất mở

Sau thời gian ở tạm dưới chân núi, sống xen ghép tạm bợ nơi cũ, vài tháng nay người dân các vùng sạt lở núi huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi chuyển dần về làng mới. Niềm vui về làng mới thay thế cho lo lắng, bất an trước đây. Những cơn bão lớn vài năm qua với cái tên Molave, Noru khắc sâu trong lòng người dân sinh sống dọc sườn núi đường Trường Sơn Đông khi nhà cửa, làng mạc bị đổ nát, vùi lấp. Núi đá treo trên cao có thể sập thôn bản, vùng nguy cơ sạt lở mọi lúc. Tìm nơi an toàn, dựng làng mới, nhà cứng là mong muốn lớn nhất của bà con vùng núi cao này.

Sau lũ, đưa dân về làng mới Măng Lăng ảnh 2

Làng mới Măng Lăng đón hơn 30 hộ dân vùng sạt lở núi vào an cư lạc nghiệp. Hạ tầng cho khu dân cư mới đang dần hoàn thiện.

Ở nơi thường xuyên động đất, nứt núi xã Sơn Bua và Sơn Long, chính quyền địa phương huyện Sơn Tây dựng làng mới an toàn cho dân. Trên vùng đất núi đồi cao xã Sơn Bua, khu định cư mới gần 5ha được đầu tư cơ bản đường giao thông, điện chiếu sáng, nước sinh hoạt… Đây là nơi ở mới của 53 hộ dân thoát nạn khi núi đổ vùi làng hai năm trước. “Sau thời gian chờ, nay có nơi ở tốt hơn rồi. Nhà mình vào trước do không có chỗ ở, còn bà con họ hàng sắp tới cũng về đây luôn. Cả làng cũ được về làng mới này”, anh Đinh Văn Thảo chia sẻ.

Cách trung tâm huyện Sơn Tây 14km, xã Sơn Long nơi lũ bùn hai năm trước cuốn trôi nhiều căn nhà và hư hỏng thiệt hại nhà cửa vùng dân lân cận. Cách nơi lũ bùn đi qua, khu tái định cư tập trung Măng Lăng hình thành trên diện tích 2,6ha. Làng mới là nơi ở của gần 60 gia đình, mỗi nhà được cấp 400m2 đất ở và đất sản xuất, chăn nuôi. Cơ sở hạ tầng làng mới đủ yêu cầu cần thiết cho bà con vùng cao. “Vợ chồng mình được nhà nước cấp đất ở. Bên kia là nhà vợ chồng con trai và cháu mình cũng được cấp như thế. Không lo sợ nữa giờ cả nhà mình làm rẫy, làm keo sống thôi”, Đinh Thị Sao với nụ cười an tâm.

Mưa lũ, sạt lở núi thường xuyên đe dọa an toàn người dân miền núi Quảng Ngãi. Do vậy, tìm làng mới đưa dân ở vùng sạt lở đến nơi an toàn là ưu tiên lớn các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi. Mỗi năm, huyện miền núi Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi xảy ra từ 3-5 vụ động đất. Do vậy, vùng dân cư, bản mới hình thành an cư cho đồng bào núi cao.

Ông Đỗ Thanh Vượt, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sơn Long, huyện Sơn Tây cho biết, hầu hết các hộ vùng sạt lở diện nghèo, không có khả năng làm nhà mới, nhà kiên cố khi đến nơi ở mới. “Chúng tôi chờ các nguồn vốn, chính sách mới dành cho miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số để bà con vay làm nhà ở bảo đảm cứng, vững, kiên cố. Xã sẽ vận động bà con vay, dành dụm làm nhà ở đàng hoàng để an cư dài lâu”.

Cứ đến mùa mưa, người dân lẫn chính quyền địa phương miền núi Quảng Ngãi đều xắn tay lên lo vượt qua mùa bão gió. Nơi mới an toàn thì bắt tay lo cho nơi khác nguy cơ, bất ổn vì thiên tai, hiểm họa. Những ngôi làng mới, bản mới hình thành cộng cả sự đồng hành, nỗ lực của bà con nhân dân và chính quyền địa phương bao năm qua.