Đây là diễn đàn kết nối, cùng hợp tác, chia sẻ và chung tay hành động góp phần hiện thực hóa Chương trình phát triển lâm nghiệp của Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết số 84/NQ-CP và thông điệp của Liên hợp quốc về “Thập niên phục hồi sinh thái”.
Khu vực miền trung và Tây Nguyên có vai trò, vị trí chiến lược quan trọng cả về phát triển kinh tế, xã hội, chính trị, quốc phòng, an ninh và môi trường của cả nước; là nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển nông-lâm nghiệp bền vững, năng lượng tái tạo, du lịch.
Rừng khu vực miền trung và Tây Nguyên có giá trị đa dạng sinh học cao, gắn liền với đời sống đồng bào các dân tộc, có vị trí quan trọng về môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước, điều tiết khí hậu cho vùng và khu vực lân cận.
Đến 31/12/2022, diện tích rừng khu vực miền trung và Tây Nguyên là 8,18 triệu ha (chiếm 55,3% diện tích rừng của cả nước). Trong đó: có 5,87 triệu ha rừng tự nhiên, 2,31 triệu ha rừng trồng; tỷ lệ che phủ rừng khu vực miền trung đạt 54,22%, Tây Nguyên đạt 46,32%.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương và chính sách đối với khu vực miền trung và Tây Nguyên, đặc biệt là Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị; và Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị với những mục tiêu đặt ra.
Các đơn vị, cán bộ tham gia trồng cây rừng tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. |
Mặc dù mục tiêu đã được xác định rất rõ ràng, nhưng hiện nay rừng ở khu vực miền trung và Tây Nguyên đang chịu nhiều thách thức. Cụ thể như: tình trạng dân di cư tự do vẫn còn phức tạp; tình trạng mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp trên đất lâm nghiệp vẫn còn diễn ra; phá rừng, lấn chiếm đất rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng; đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng tại khu vực miền trung và Tây Nguyên chưa tương xứng với nhiệm vụ và bảo đảm để thực hiện chính sách được ban hành…
Mặt khác, trên lộ trình hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, cam kết giảm phát thải khí nhà kính, ngành lâm nghiệp được xem là ngành có vai trò rất quan trọng, góp phần cụ thể hóa dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các bon.
Đồng thời, với những quy định mới của Liên minh châu Âu (EU) về sản xuất và thương mại nông sản không được gây mất rừng và làm suy thoái rừng, đòi hỏi các nhà sản xuất, doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các nhà phân phối cũng cần phải xem xét lại chiến lược phát triển nếu muốn hướng đến thị trường EU giàu tiềm năng.
Trước những cơ hội và thách thức đó, tại hội thảo lần này, với chủ đề “Phát triển lâm nghiệp bền vững”, hơn 100 đại biểu đã cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp cho khu vực miền trung và Tây Nguyên.
Nhiều ý kiến đã đưa ra nhằm góp phần bảo tồn đa dạng sinh học khu vực miền trung và Tây Nguyên như: tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển lâm nghiệp để thúc đẩy nâng cao hiệu quả, phát huy giá trị đa dụng của rừng; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng tự nhiên, mặt nước có giá trị bảo tồn; có chính sách hỗ trợ sinh kế người dân tại vùng đệm; giữ gìn và phát huy văn hóa cộng đồng với phát triển lâm nghiệp bền vững (các phong tục bảo vệ rừng của đồng bào dân tộc thiểu số, lễ tạ ơn, lễ cúng rừng); phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ phát triển lâm nghiệp bền vững; duy trì và nhân rộng các mô hình phục hồi rừng…