Tăng hỗ trợ để khuyến khích sản xuất nông nghiệp

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã có một số chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, việc triển khai một số chính sách còn chậm, hiệu quả chưa cao dẫn đến sản xuất nông nghiệp vẫn nhỏ lẻ, manh mún, lạc hậu, hiệu quả chưa cao.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất cấy lúa bằng máy.
Nông dân xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất cấy lúa bằng máy.

Thực hiện chính sách hỗ trợ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua các địa phương trên địa bàn thành phố đã hỗ trợ lãi suất đầu tư mua sắm máy móc, hỗ trợ kinh phí cấy lúa bằng máy, phun thuốc bảo vệ thực vật… Các chính sách này bước đầu đã phát huy hiệu quả.

100% diện tích trồng lúa đã được làm đất bằng máy, 90% sản lượng lúa được thu hoạch bằng máy. Tuy nhiên, việc cơ giới hóa phần lớn tập trung ở cây lúa, trong các khâu làm đất, thu hoạch và vận chuyển. Trong khi đó, khâu gieo cấy, chăm sóc được xem là những công đoạn quan trọng, quyết định cho việc tăng năng suất, sản lượng thì tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa còn thấp. Cụ thể, đến nay trên địa bàn thành phố mới có hơn 320 máy cấy, diện tích cấy lúa bằng máy chỉ đạt gần 4.650 ha, tương đương hơn 2,5% tổng diện tích gieo cấy. Phần lớn diện tích còn lại vẫn cấy bằng tay.

Theo đại diện Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Minh (huyện Thanh Oai), chi phí mua máy cấy rất lớn, từ 400 triệu đến 500 triệu đồng/máy, nhưng thời gian sử dụng mỗi năm chỉ tập trung khoảng 20 ngày, còn lại nằm kho. Một máy cấy sáu hàng mỗi ngày cấy được khoảng 2,5 ha, tiền công mỗi héc-ta khoảng 4 triệu đồng.

Trừ các chi phí nhân công, nhiên liệu khoảng 3,5 triệu đồng/ngày, khấu hao máy móc là 50 triệu đồng/năm… tiền lãi mỗi năm chỉ gần 80 triệu đồng, chưa tính chi phí bảo dưỡng, bảo trì cao do thời gian máy dừng hoạt động kéo dài. Để thu hồi được vốn đầu tư máy cấy phải mất từ năm đến bảy năm. Nếu thành phố được hỗ trợ tiền lãi suất mua máy cấy trong thời gian ba năm như hiện nay, thì không thu hút được các tổ chức, cá nhân đầu tư mua sắm máy cấy.

Việc thực hiện hỗ trợ chi phí giết mổ gia súc, gia cầm đã giải quyết khó khăn cho các cơ sở giết mổ bán công nghiệp, công nghiệp khi phải đầu tư lớn, tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi của thành phố phát triển nhanh chóng.

Tuy nhiên từ năm 2020 đến nay, chính sách nêu trên không thể thực hiện do yêu cầu phải xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá giết mổ, trong khi chưa có quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khiến việc đầu tư cơ sở giết mổ bán công nghiệp, công nghiệp bị ảnh hưởng. Hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm thủ công, nhất là tại các khu dân cư, chợ dân sinh lại phát triển, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, mặc dù cơ cấu kinh tế ngành nông, lâm, thủy sản chiếm tỷ trọng không lớn, nhưng những đóng góp của khu vực nông nghiệp và nông thôn rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 2,5-3% giai đoạn 2020-2025, cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn, Hà Nội tiếp tục ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp.

Các chính sách tập trung hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, nghiệp vụ quản lý và phát triển thị trường; khuyến khích sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; hỗ trợ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; hỗ trợ mua sắm máy móc; chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Đáng chú ý, thành phố còn hỗ trợ nông dân mua thiết bị bay không người lái phục vụ sản xuất lúa, phun thuốc bảo vệ thực vật. Tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến hơn 1.120 tỷ đồng/năm.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, việc thành phố tăng mức hỗ trợ, mở rộng thêm lĩnh vực hỗ trợ nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại, hộ gia đình huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất, cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Các địa phương cần công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện để các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp sớm phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.