Còn nhiều tiềm năng cho ngành tôm bứt tốc

NDO - Hiện nay, tôm Việt Nam xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ và trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ hai thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13-14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân thu hoạch tôm ở tỉnh Bến Tre.
Nông dân thu hoạch tôm ở tỉnh Bến Tre.

Chiều 21/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Diễn đàn “Kết nối sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm nước lợ Việt Nam”. Diễn đàn được tổ chức kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến đến các tỉnh, thành phố; các đơn vị liên quan.

Hiện cả nước đã có hơn 370 cơ sở chuyên và có kết hợp chế biến tôm đủ điều kiện xuất khẩu tôm với công suất hơn 1,7 triệu tấn nguyên liệu một năm. Từ năm 2018-2022, ngành tôm duy trì diện tích nuôi tương đối ổn định ở mức khoảng 700.000ha.

Theo Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong suốt 2 thập kỷ qua, ngành tôm đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Hiện, tôm Việt Nam xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 5 thị trường chính là châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc.

Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ hai thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13-14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới. Kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước trong năm 2022 lập kỷ lục 4,3 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2021.

Còn nhiều tiềm năng cho ngành tôm bứt tốc ảnh 1

Quang cảnh Diễn đàn “Kết nối sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm nước lợ Việt Nam”. (Ảnh chụp qua màn hình)

Tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về diện tích, khí hậu thuận lợi và nguồn nước dồi dào cho phát triển nuôi tôm nước lợ. Ngành tôm được ứng dụng khoa học-công nghệ mới gồm kỹ thuật sản xuất giống, nuôi thương phẩm và bảo quản chế biến với nhiều mô hình ứng dụng khoa học-công nghệ ở nhiều mức độ khác nhau...

Tuy nhiên, nuôi tôm nước lợ hiện nay đang gặp một số khó khăn nhất định. Đáng chú ý là hạ tầng vùng nuôi hạn chế, quy mô nông hộ nhỏ lẻ khiến hạ tầng nguồn nước cấp, thoát nước chưa đồng bộ, gây khó khăn trong công tác sản xuất và nguy cơ ô nhiễm và dịch bệnh. Chi phí sản xuất tôm còn cao so với các nước nằm trong nhóm cạnh tranh trên cùng phân khúc thị trường.

Biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây nguy cơ mất diện tích nuôi tôm ven biển, cũng như làm thay đổi đột ngột của nhiệt độ, lượng mưa, độ mặn ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển tôm nuôi, góp phần gây ra dịch bệnh cho tôm nuôi.

Còn nhiều tiềm năng cho ngành tôm bứt tốc ảnh 2

Nuôi tôm tại vùng ven biển ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhận định của các chuyên gia cho rằng, ngành tôm nước lợ còn nhiều tiềm năng phát triển, thị trường tiêu thụ rộng mở do nhu cầu gia tăng. Các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký với các nền kinh tế lớn là cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Quỹ đất nuôi tôm nước lợ một số vùng ven biển tạo cơ hội quy hoạch vùng nuôi tập trung theo hướng ngành hàng sản xuất. Năng lực về khoa học-công nghệ, nhân lực và các điều kiện tự nhiên khác khiến Việt Nam có đầy đủ các nhân tố để có thể tiếp tục phát triển ngành tôm theo hướng quy mô hiện đại, bền vững.

Để tận dụng các lợi thế trên, các đơn vị liên quan, doanh nghiệp, hợp tác xã… cần đẩy mạnh nuôi tôm, các khâu trong chuỗi sản xuất tôm theo hướng công nghệ cao.

Đồng thời, tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, sản xuất có chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, ASC) nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm tôm trên thị trường thế giới.

Cùng với đó, tập trung ứng dụng khoa học-công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường; tăng cường kết nối giao thương thúc đẩy xuất khẩu, bảo đảm nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho các đơn vị, doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu tôm...