Quyết chặn đà suy giảm xuất khẩu thủy sản trong những tháng cuối năm

Sáu tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 4,13 tỷ USD, giảm 27,4% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thủy sản chủ lực đều giảm, như cá ngừ chỉ đạt 380 triệu USD, giảm 31%, các loại thủy sản khác cũng giảm từ 17-30% so với cùng kỳ. Ngành thủy sản và các địa phương, doanh nghiệp đang tập trung triển khai nhiều giải pháp để chặn đà suy giảm xuất khẩu, vượt qua giai đoạn khó khăn…
0:00 / 0:00
0:00
Thu hoạch tôm nuôi công nghệ cao tại Công ty TNHH thủy sản Đắc Lộc (Phú Yên).
Thu hoạch tôm nuôi công nghệ cao tại Công ty TNHH thủy sản Đắc Lộc (Phú Yên).

Nguyên nhân là ngành thủy sản tiếp tục phải đối mặt với hàng loạt khó khăn như: Ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine cùng với tác động của dịch Covid-19, lạm phát tăng, hàng tồn kho lớn ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia, khu vực vốn là thị trường xuất khẩu chính mặt hàng thủy sản của Việt Nam như: Mỹ, EU, Nhật Bản...

Thị trường đang có sự cạnh tranh gay gắt về giá, nguồn cung khi ngành thủy sản của các nước như Ecuador, Ấn Độ… đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Ở trong nước, ngư dân và doanh nghiệp ngành thủy sản cũng gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất tăng, giá bán giảm, tiêu thụ chậm, tồn kho tăng, cạn kiệt vốn và khó tiếp cận vốn vay để duy trì sản xuất, xuất khẩu...

Sản lượng tăng, kim ngạch giảm

Cà Mau là nơi có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất cả nước với hơn 300.000ha, trong đó có hơn 270.000ha nuôi tôm, trong sáu tháng đầu năm 2023, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản của Cà Mau đạt hơn 204.000 tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ 2022. Tuy tăng về sản lượng, nhưng trong sáu tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản toàn tỉnh Cà Mau chỉ đạt 502 triệu USD, giảm đến 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu thủy sản Cà Mau giảm ở hầu hết các thị trường lớn như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Australia...

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau Dương Vũ Nam, xuất khẩu tôm "ảm đạm" trong những tháng đầu năm 2023 do tình trạng suy thoái và lạm phát tại các nền kinh tế lớn ở mức cao khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, kéo theo sức tiêu thụ giảm.

Đó cũng là nguyên nhân khiến lượng hàng thủy sản tồn kho tại Cà Mau trong những tháng đầu năm có lúc lên đến hơn 24.000 tấn. Tình hình đầu ra cho xuất khẩu gặp khó, kéo theo giá tôm nguyên liệu liên tục giảm, cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng, giảm trung bình từ 15.000 đến 45.000đồng/kg.

Tương tự, tại Phú Yên, các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất trong ngành thủy sản cũng bị ảnh hưởng, gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu thủy sản sáu tháng đầu năm 2023 giảm 35%. Từ đó tình hình sản xuất, kinh doanh thủy sản trên địa bàn cũng chịu ảnh hưởng , người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh hầu hết đều nuôi cầm chừng vì giá tôm nguyên liệu xuống thấp, sức mua giảm.

Trước khó khăn bủa vây, trung tuần tháng 6 vừa qua, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có tổng hợp báo cáo và đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành thủy sản như: Cần điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4% và lãi suất vay VNĐ xuống dưới 7% để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu; Ngân hàng Nhà nước tiếp tục quan tâm và xem xét có gói kích cầu 10.000 tỷ đồng cho thủy sản nuôi ở đồng bằng sông Cửu Long; gói kích cầu dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu mua dự trữ nguyên liệu từ nay để xuất khẩu sau 3-6 tháng nữa trong năm 2023 và quý I/2024; kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; kéo dài thời gian hiệu lực của các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất và miễn, giảm các loại phí, lệ phí cho đến hết năm 2023...

Quyết chặn đà suy giảm xuất khẩu thủy sản trong những tháng cuối năm ảnh 1

Nông dân xã Tân Hưng (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) thăm ao tôm siêu thâm canh vừa thả vụ mới.

Quyết liệt ngay từ địa phương

Bên cạnh VASEP, các địa phương phát triển mạnh kinh tế biển cũng có những giải pháp quyết liệt kịp thời để gỡ khó cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản vượt qua giai đoạn khó khăn. Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn cho biết: Tỉnh đang kiện toàn "Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh" để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội theo chủ trương chung của Chính phủ tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 8/4/2023. Trước đó, UBND tỉnh Phú Yên có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sớm ổn định, vượt qua giai đoạn khó khăn và phục hồi sản xuất, xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Cục Thuế tỉnh triển khai thực hiện kịp thời các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và gia hạn thời gian nộp các khoản thuế, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các sở, ban, ngành giải quyết kịp thời các vướng mắc trong thực hiện chính sách để đạt hiệu quả cao; đồng thời giải quyết kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trên địa bàn.

Tại Cà Mau, một số hội nghị chuyên đề tìm cách gỡ khó cho con tôm xuất khẩu đã được tổ chức, qua đó, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã chỉ rõ nguyên nhân khiến tình hình xuất khẩu thủy sản sa sút, đồng thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường sức cạnh tranh để tôm Việt Nam có thể cạnh tranh với tôm xuất khẩu có giá thấp của một số nước nuôi tôm lớn như Ecuador, Ấn Độ…

Theo đại diện Công ty cổ phần Chế biến và Dịch vụ thủy sản Cà Mau (CASES), giá tôm do thị trường nhập khẩu quyết định, nên để cạnh tranh với các nước có trữ lượng xuất khẩu lớn nhưng giá thành thấp, tôm Cà Mau nói riêng, tôm Việt Nam nói chung phải tìm cách hạ giá thành, tăng sản lượng, tức chi phí nuôi càng thấp càng tốt nhưng phải đồng thời nâng cao hơn nữa tỷ lệ nuôi thành công. "Trong kinh doanh phải tính đến lợi nhuận, nếu chúng tôi mua giá đầu vào cao thì đương nhiên phải bán giá cao. Mặt bằng cấu thành giá nuôi tôm của chúng ta hiện cao hơn nhiều nước", đại diện CASES phân tích.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, những bất lợi và thách thức đang đặt ra trong chuỗi sản xuất tôm tại Cà Mau đòi hỏi sự phối hợp hài hòa, gắn kết chặt chẽ của "4 nhà" để duy trì hoạt động sản xuất, chế biến xuất khẩu trên tinh thần không để chuỗi sản xuất bị đứt gãy.

Ở góc độ chính quyền, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo ngành chức năng tăng cường quản lý chặt chẽ doanh nghiệp, đại lý thu mua, không để xảy ra tình trạng "té nước theo mưa" để ép giá thu mua tôm nguyên liệu của nông dân.

Bản thân các doanh nghiệp thủy sản cũng phải có những giải pháp linh hoạt để trước hết là "cứu mình", sau là phục hồi phong độ sản xuất, kinh doanh vốn có. Đại diện Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc ứng dụng công nghệ nuôi tôm trong nhà lưới (Green House) tại Phú Yên cho biết, những giải pháp vượt qua khó khăn hiện nay là: chọn thức ăn giá thấp nhưng vẫn bảo đảm dinh dưỡng để tôm phát triển, ứng dụng nuôi cấy vi sinh bảo vệ môi trường, hạn chế thay nước trong quá trình nuôi... để giảm chi phí đầu vào.

Bên cạnh đó, Công ty Đắc Lộc đa dạng hóa đối tượng nuôi: nuôi tôm hùm trong bể trên bờ, sản xuất giống ốc hương, cá giống,... đem lại cho công ty nhiều hiệu quả kinh tế, ổn định và phát triển bền vững. Công ty rất mong chính quyền địa phương sớm có quy hoạch vùng nuôi cụ thể, cánh đồng mẫu lớn, quy mô hàng hóa, để cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân có thể đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, làm giảm giá thành, đưa nghề nuôi thủy sản phát triển bền vững hơn, đa dạng hóa đối tượng nuôi, đa dạng hóa thị trường nhằm đáp ứng với thị trường khó tính trong và ngoài nước.

Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú Lê Văn Quang, chi phí trong nuôi tôm hiện phụ thuộc chủ yếu vào nguyên liệu đầu vào (thức ăn, các loại thuốc thủy sản và vi sinh) được nhập khẩu bởi phần lớn doanh nghiệp có vốn FDI. Do vậy, việc can thiệp giá cung ứng là rất khó.

Trong tình thế này, giải pháp khả thi là giảm khâu trung gian trong phân phối "đầu vào" và cần thêm hỗ trợ ưu đãi từ ngân hàng. Tức là, làm sao để nông dân lấy tài sản bảo đảm là ao tôm sắp thu hoạch để vay tín chấp, hạn chế đến mức thấp nhất việc "hụt tiền" phải tìm đến đại lý cung ứng vật tư đầu vào để mua chịu thức ăn cho tôm khiến giá bị đẩy lên quá cao.

Nhà nước cần có cơ chế, chính sách đặc thù dành riêng cho con tôm, đặc biệt là các gói tín dụng hỗ trợ cho cả người nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu. Một khi tiếp cận được các gói hỗ trợ lãi suất thấp, các doanh nghiệp, hợp tác xã… sẽ có thêm nguồn lực mở rộng sản xuất, phát triển nhanh hơn để dẫn dắt chuỗi ngành hàng.