Và bản thân tôi cũng đã bị cuốn vào thế giới của những wibu (tín đồ cuồng nhiệt văn hóa Nhật Bản, nhất là truyện tranh và hoạt hình) và manga (truyện tranh) lúc nào mà mình không biết nhưng phải thừa nhận, những cuốn truyện tranh bây giờ thật sự mang lại nhiều cảm xúc thư giãn và đam mê cho bất cứ ai nếu tìm hiểu kỹ.
Thanh xuân cùng những bộ truyện tranh
Cầm trên tay tờ lịch phát hành tháng 5 của Nhà xuất bản Kim Đồng mà cậu con trai đưa, tôi nhẩm tính những đầu sách cần phải mua cho nó. Chẳng hạn như tuần đầu tiên có Blue Block tập 6, Học viện siêu anh hùng tập 34; tuần thứ hai có Sơn, Goal! tập 2; tuần thứ ba có Blue Lock tập 7; tuần thứ tư có Chú thuật hồi chiến tập 13, One-Punch Man tập 26, Nhiệm vụ tối thượng nhà Yozakura tập 2…
Trước đây, lịch phát hành mỗi tháng của Nhà xuất bản Kim Đồng được in ở bìa sau mỗi tập sách. Còn bây giờ, nếu không có tờ lịch phát hành mỗi tháng được kẹp trong một đầu sách phát hành trong tháng đó hoặc xin được ở quầy thanh toán như của Nhà xuất bản Kim Đồng, mọi người có thể vào Facebook hoặc website của Nhà xuất bản Trẻ hay Công ty cổ phần Xuất bản và Truyền thông IPM để tìm kiếm thông tin.
Ở thời điểm hiện tại, lịch phát hành hằng tháng của Nhà xuất bản Kim Đồng, IPM và Nhà xuất bản Trẻ luôn có những cuốn đang in rất “hot” như Chú thuật hồi chiến, Blue Lock, Spy Family, Slam Dunk, Học viện siêu anh hùng, One-Punch Man, Fire Force, Alice in Borderland…
Thường thì mỗi tháng sẽ có ít nhất hai hoặc ba đầu sách manga của Nhà xuất bản Kim Đồng mà tôi cần mua vì cậu con trai của tôi đang “đu” (nói theo ngôn ngữ của các tín đồ manga) không chỉ có một cuốn. Đó là chưa nói đến sách của Nhà xuất bản Trẻ hay các đầu sách của IPM rất được ưa thích hiện nay. Ở đây, trẻ con thì đứa nào cũng thích mua cuốn này, cuốn nọ, khi sách được trình bày bắt mắt, nội dung phù hợp nhiều lứa tuổi, chưa kể sách có quà tặng kèm như postcard (bưu thiếp), bookmark (thẻ đánh dấu sách), standee (hình dựng), shikishi (tấm bìa cứng có tranh hoặc chữ ký của người nổi tiếng) và poster (ảnh khổ to).
Thế nên, ở thời điểm hiện tại, lịch phát hành hằng tháng của Nhà xuất bản Kim Đồng, IPM và Nhà xuất bản Trẻ luôn có những cuốn đang in rất “hot” như Chú thuật hồi chiến, Blue Lock, Spy Family, Slam Dunk, Học viện siêu anh hùng, One-Punch Man, Fire Force, Alice in Borderland…
Khi đã biết được ngày ra sách, tôi sẽ đến Nhà xuất bản Kim Đồng hoặc các cửa hàng trong hệ thống của nhà xuất bản hay nhà sách tư nhân để mua ngay. Nói vậy, bởi ngay cả khi nhiều ấn phẩm không còn sốt như ban đầu, thời điểm giới trẻ còn trong giai đoạn mua, đánh giá nội dung và quà tặng mà nhà xuất bản tặng kèm nhưng kinh nghiệm cho thấy, mua truyện trong ngày, và nhất là vào buổi sáng, vẫn tốt hơn nếu không muốn nhận được câu trả lời “Đã hết sách”, đặc biệt với những ấn bản giới hạn (Limited edition) hay đặc biệt.
Cũng chính vì những ấn bản giới hạn hay đặc biệt được trình bày thật sự ấn tượng, như có hai bìa, bìa metalize, bìa kraft, có obi (đai sách)…, một bộ truyện như Chú thuật hồi chiến giai đoạn đầu đã lên cơn sốt thật sự khi bản giới hạn được phát hành song song với bản thường và số lượng được phân bổ cho các nhà sách không nhiều.
Và tôi, nếu rơi vào ngày cậu con trai phải đến trường, đã phải xếp hàng rất sớm từ sáu giờ, bảy giờ sáng trước cửa Nhà xuất bản Kim Đồng hay Nhà sách Fahasa ở đường Xã Đàn (Hà Nội), cùng với rất nhiều sinh viên, học sinh, để mong nhận một tờ phiếu mua bản giới hạn.
Đương nhiên, nếu không muốn dậy sớm xếp hàng như vậy, bạn có thể mua ấn bản trên các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki sau đó với giá cao gấp nhiều lần. Chẳng hạn như tập 0 của Chú thuật hồi chiến chỉ có giá bìa 65.000 đồng/cuốn nhưng hiện được bán trao tay gấp 6-7 lần nếu sách vẫn còn seal (màng co).
Nỗi lòng của các wibu
Ở đây, việc “đu” truyện sẽ có hai vấn đề. Một là họ sẽ có đủ các tập của ấn phẩm từ đầu đến cuối, được in lần đầu mà không phải là tái bản, các phụ kiện… cũng như cảm giác chờ đợi tập tiếp theo trong sự háo hức; hai là họ sẽ quyết định dừng ngay từ những tập đầu nếu thấy truyện không hay, không có quà tặng hấp dẫn hay truyện kéo dài quá lâu và chuyển sang “đu” truyện khác. Một điểm chung là “đu” cả một bộ truyện tranh đòi hỏi sự kiên nhẫn và đam mê rất lớn của các wibu.
Cứ tính Nhà xuất bản Kim Đồng có đầu sách mỗi tháng phát hành một tập thì trung bình một bộ truyện có hơn 20 tập đồng nghĩa sẽ mất ít nhất hai năm chờ đợi để mua hết các tập. Và chẳng ai chỉ đọc một hay hai cuốn truyện tranh trong một tháng mà không tìm cuốn này, cuốn kia.
Việc “đu” truyện sẽ có hai vấn đề. Một là họ sẽ có đủ các tập của ấn phẩm từ đầu đến cuối, được in lần đầu mà không phải là tái bản, các phụ kiện… cũng như cảm giác chờ đợi tập tiếp theo trong sự háo hức; hai là họ sẽ quyết định dừng ngay từ những tập đầu nếu thấy truyện không hay, không có quà tặng hấp dẫn hay truyện kéo dài quá lâu và chuyển sang “đu” truyện khác. Một điểm chung là “đu” cả một bộ truyện tranh đòi hỏi sự kiên nhẫn và đam mê rất lớn của các wibu.
Thế mới nói, đây thật sự là một cách làm truyện tranh và tiếp thị rất hay của các nhà xuất bản, đồng thời khiến những bậc phụ huynh như tôi tốn không ít tiền vào việc duy trì đam mê hằng tháng của cậu con trai. Thậm chí là hằng năm khi có những bộ manga kéo dài hơn 10 năm, 20 năm, nghĩa là cả thanh xuân của một đứa trẻ cho đến lúc trưởng thành.
Đó là tôi nói về nhiều wibu đã lớn lên cùng các bộ truyện tranh như Doraemon, Chie - Cô bé hạt tiêu, Nữ hoàng Ai Cập, Siêu quậy Teppi, Thần đồng đất Việt, Thám tử lừng danh Conan, 7 viên ngọc rồng, Dũng sĩ Hesman, Jindo, Tsubasa, Ninja loạn thị, One Piece, Shin - Cậu bé bút chì, Naruto…
Chắc chắn, những ai đã đọc hay biết ít nhiều các bộ manga này từ những năm 1990, 2000 giờ đều đã lên chức ông bà, cha mẹ rồi. Và nếu chúng gợi lại cho họ, cho tôi nhiều kỷ niệm của một thời tuổi thơ thì việc giới trẻ hiện nay vẫn đọc, vẫn sưu tầm Doraemon, Thám tử lừng danh Conan, 7 viên ngọc rồng, Dũng sĩ Hesman, One Piece, Thần đồng Đất Việt… cho thấy những bộ truyện tranh của Nhật Bản, Việt Nam vẫn có giá trị lưu giữ và vẫn được đón nhận. Thậm chí, khi phong trào “đu” truyện của các wibu sôi động như hiện tại, những bộ truyện cách đây gần 30 năm đó được săn lùng quyết liệt, vì ấn bản đầu tiên ngày càng trở nên hiếm và đã hiếm thì giá bán là không hề rẻ.
...nhiều wibu đã lớn lên cùng các bộ truyện tranh như Doraemon, Chie - Cô bé hạt tiêu, Nữ hoàng Ai Cập, Siêu quậy Teppi, Thần đồng đất Việt, Thám tử lừng danh Conan, 7 viên ngọc rồng, Dũng sĩ Hesman, Jindo, Tsubasa, Ninja loạn thị, One Piece, Shin - Cậu bé bút chì, Naruto…
Chắc chắn, những ai đã đọc hay biết ít nhiều các bộ manga này từ những năm 1990, 2000 giờ đều đã lên chức ông bà, cha mẹ rồi. Và nếu chúng gợi lại cho họ, cho tôi nhiều kỷ niệm của một thời tuổi thơ thì việc giới trẻ hiện nay vẫn đọc, vẫn sưu tầm Doraemon, Thám tử lừng danh Conan, 7 viên ngọc rồng, Dũng sĩ Hesman, One Piece, Thần đồng Đất Việt… cho thấy những bộ truyện tranh của Nhật Bản, Việt Nam vẫn có giá trị lưu giữ và vẫn được đón nhận.
Người trẻ chơi sách
Phải thừa nhận thế hệ 7x, 8x ai lớn lên mà không biết những Dũng sĩ Hesman, Doraemon, 7 viên ngọc rồng, Siêu quậy Teppi… mặc dù thời đó, sách in ra mỏng, màu sắc không bắt mắt, giấy xấu và không có nhiều quà tặng đi kèm như hiện nay. Vì thế, để tìm được một bộ manga đầy đủ, chất lượng sưu tầm (đẹp, còn nguyên bìa gáy) thật sự không dễ. Một phần vì người đọc chủ yếu là trẻ em, thiếu niên và thường cho nhau mượn nên truyện dễ rách, nhàu nát, cũng như mấy ai nghĩ đến việc giữ gìn cẩn thận hàng chục, hàng trăm cuốn sách qua nhiều năm, cho đến khi trưởng thành, đủ nhận thức để hiểu rằng, những bộ truyện đó sau này sẽ rất khó tìm và sẽ có giá trị lưu giữ.
Lê Văn Nghĩa bên bộ truyện “7 viên ngọc rồng”. |
Nói vậy nhưng như nhiều lĩnh vực khác, đâu cũng có những “ngọa hổ, tàng long” và ở mảng manga được cho là dành cho trẻ con, giới trẻ, nội dung chỉ có tính giải trí này không phải là ngoại lệ. Người tôi gặp ở đây, Lê Văn Nghĩa, không phải là người có nhiều bộ truyện tranh nhất Hà Nội, cũng không phải là người có những bộ truyện tranh thập niên 90 đẹp nhất nhưng anh thuộc thế hệ 8x, đam mê và có điều kiện để theo đuổi dòng sách này.
Ngôi nhà Nghĩa ở cùng bố mẹ nằm sâu trong một con ngõ nhỏ trên đường Mậu Lương, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội. Trước đây, Mậu Lương là một trong hai làng cổ, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, bên cạnh làng Đa Sĩ, của xã Kiến Hưng, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây cũ. Giờ làng đã thành phố, thành phường nhưng trước con ngõ nhỏ dẫn vào nhà Nghĩa, vẫn còn đó ao, miếu, đình, chùa, khiến phong cảnh chung quanh thật bình yên, dễ chịu.
Mặc dù chỉ mới sưu tập truyện tranh khoảng 5 năm gần đây, chàng thanh niên sinh năm 1987 đã sở hữu những bộ manga “quốc dân” nhưng chẳng quốc dân chút nào vì giá không hề rẻ, như Dũng sĩ Hesman, 7 viên ngọc rồng, Siêu quậy Teppi, Dấu ấn rồng thiêng, Nữ hoàng Ai Cập…
Trên chiếc kệ kê ngay đầu giường, nhiều bộ 7 viên ngọc rồng và Dấu ấn rồng thiêng được xếp ngay ngắn thành từng chồng nhưng Nghĩa cho biết, anh vẫn thích nhất bộ Dũng sĩ Hesman vì đây là bộ truyện tranh dài đầu tiên của Việt Nam do một họa sĩ Việt Nam thực hiện, với 159 tập được Nhà xuất bản Mỹ thuật Hà Nội ấn hành từ năm 1993 đến 1997 (riêng tập 160 được họa sĩ Nguyễn Hùng Lân sáng tác năm 2019).
Một lý do khác mà tôi được hiểu có thể là vì độ hiếm của bộ truyện do Dũng sĩ Hesman có nhiều tập, chưa từng tái bản trọn vẹn nên việc ghép được một bộ có chất lượng tốt là hết sức khó khăn. Điều này giải thích tại sao Nghĩa đã không ngại bỏ ra gần 20 triệu đồng để sở hữu bộ truyện này, thậm chí như anh cho biết, anh có đến tám bộ Dũng sĩ Hesman.
Tương tự, những bộ truyện 7 viên ngọc rồng, Siêu quậy Teppi, Dấu ấn rồng thiêng đẹp có giá không hề rẻ. Ngạc nhiên ở chỗ, Nghĩa cũng mua rất nhiều bộ 7 viên ngọc rồng, nhất là bộ in năm 1995 với bảy bộ; Dấu ấn rồng thiêng với 11 bộ và anh nhớ rất rõ mỗi tập trong từng bộ truyện. Hỏi Nghĩa, anh cho biết chỉ mua chứ không bán lại, đơn giản chỉ là vì anh muốn tìm lại những kỷ niệm tuổi thơ của bản thân với các nhân vật trong hai bộ sách này.
Thực tế thì Nghĩa là một trong nhiều người chơi manga có cách sưu tầm của riêng mình. Ở đây, chuyện các nhà xuất bản, nhà sách cho ra những ấn bản đặc biệt, giới hạn, xịn (Deluxe Edition) xen kẽ giữa các tập ngoài việc thu hút, duy trì sự quan tâm của bạn đọc tới một bộ truyện, điều này cũng đã tạo ra một nhóm người sưu tầm các phụ kiện đi kèm như bookmark, postcard, poster, standee hoặc bìa sách thường chỉ có trong những sự kiện như AniAni Festival (tạm dịch là Hội chợ manga). Hay chỉ đơn giản là có những người chỉ sưu tầm mỗi tập 1 của các bộ manga hoặc ấn bản bản đặc biệt, giới hạn, xịn mà không phải là cả bộ truyện.
Những cuốn truyện lịch sử
Một góc nhà sách của Nhà xuất bản Kim Đồng, đường Quang Trung, Hà Nội. |
Dĩ nhiên, trong giới đọc, sưu tầm manga hiện nay, có những người không thích các bộ truyện mang tính giải trí theo xu thế thời đại mà vẫn trung thành với dòng truyện tranh lẻ tập của Việt Nam từ thập kỷ 70, 80, 90, trong đó có những cuốn nổi tiếng như Sát Thát (bản in đầu năm 1971); Thạch Sanh; Sơn Tinh, Thủy Tinh...
Những cuốn truyện tranh này đều do các tác giả Việt Nam sáng tác, nội dung bao quát nhiều vấn đề từ lịch sử, văn hóa, phong tục cho đến mọi mặt của cuộc sống hằng ngày và rất gần gũi, mang tính giáo dục cao.
Tuy nhiên, dòng truyện tranh lịch sử và các nhân vật anh hùng của Việt Nam này lại kén người chơi do sách hiếm, giấy đen và xấu, giá trị lưu giữ không cao do không phổ biến rộng với giới trẻ bây giờ.
Vì thế, việc chỉ bó hẹp ở một số người hoài niệm một thời bao cấp mà không có sự chia sẻ, giao lưu, giới thiệu, được quan tâm hay những cuốn truyện tranh này không được tái bản với hình thức hấp dẫn đi kèm với các ấn bản giới hạn hay đặc biệt, thật khó để người đọc dứt ra khỏi các bộ manga có số lượng phát hành hàng chục, hàng trăm triệu bản trên thế giới như One Piece, Slam Dunk… dù nội dung truyện phần lớn mang tính giải trí, lời ít, tranh nhiều.
Và như thế, kỷ niệm tuổi thơ của bọn trẻ khi lớn lên sau này sẽ chỉ có 7 viên ngọc rồng, Siêu quậy Teppi, Dấu ấn rồng, One Piece, Slam Dunk… chứ không phải những cuốn Thạch Sanh, Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Sát Thát, Hoàng Diệu, Vua Hùng dựng nước, Trần Bình Trọng, Bà Triệu, Chiếc nỏ thần, Kể chuyện ông Lê Lợi, Trận đánh trên sông Bạch Đằng, Nam Kỳ khởi nghĩa, Tướng quân Nguyễn Chích, Mà nay áo vải cờ đào, Người cầm cờ lệnh của vua Quang Trung… gợi nhớ lịch sử một thời dựng nước, giữ nước hào hùng của dân tộc ta.
… dòng truyện tranh lịch sử và các nhân vật anh hùng của Việt Nam lại kén người chơi do sách hiếm, giấy đen và xấu, giá trị lưu giữ không cao do không phổ biến rộng với giới trẻ bây giờ. Vì thế, việc chỉ bó hẹp ở một số người hoài niệm một thời bao cấp mà không có sự chia sẻ, giao lưu, giới thiệu, được quan tâm hay những cuốn truyện tranh này không được tái bản với hình thức hấp dẫn đi kèm với các ấn bản giới hạn hay đặc biệt, thật khó để người đọc dứt ra khỏi các bộ manga có số lượng phát hành hàng chục, hàng trăm triệu bản trên thế giới như One Piece, Slam Dunk… dù nội dung truyện phần lớn mang tính giải trí, lời ít, tranh nhiều.