1/Cuối năm 2022, một tin vui làm nức lòng những người hâm mộ truyện tranh Việt Nam. Đó là tác phẩm “Bẩm thầy Tường có thầy Vũ đến tìm” (tên tiếng Anh: Rain in a moon night) của tác giả Hoàng Tường Vy đã đoạt giải đồng trong cuộc thi International Manga Award (Giải thưởng Truyện tranh quốc tế).
Đây là giải thưởng thường niên do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Tarō Asō sáng lập năm 2007 nhằm vinh danh các tác giả truyện tranh không phải người Nhật. Ban giám khảo của cuộc thi là đại diện các nhà xuất bản, họa sĩ truyện tranh uy tín của thế giới. Mỗi năm cuộc thi đều thu hút rất đông các tác phẩm từ hơn 50 quốc gia và khu vực gửi tới dự thi, tiêu biểu là Trung Quốc, Việt Nam, Hà Lan, Tây Ban Nha... Năm 2022, lần thứ ba Việt Nam có đại diện giành giải ở cuộc thi này. Trước đó, năm 2016, bộ truyện tranh “Long Thần Tướng” (tập 1) của nhóm tác giả Phong Dương Comics được trao giải bạc; năm 2017, bộ truyện tác phẩm “Ðịa ngục môn” của Can Tiểu Hy (tên thật là Phan Cao Hà My) đến từ Việt Nam tiếp tục giành giải bạc.
Tác phẩm đoạt giải năm nay của Hoàng Tường Vy khai thác chất liệu từ văn hóa truyền thống của dân tộc. Từ những câu chuyện sinh hoạt hằng ngày thi vị và nhẹ nhàng giữa một thầy đồ và một thầy lang, đặt trong bối cảnh làng quê Việt Nam thời phong kiến, tác phẩm đã thu hút sự quan tâm yêu thích của các độc giả trong nước cũng như ở nước ngoài. Comicola (đơn vị phát hành tác phẩm) cho biết, tác phẩm “Bẩm thầy Tường có thầy Vũ đến tìm” đã được người yêu truyện tranh săn tìm ngay khi vừa ra mắt. Các phiên bản giới hạn thậm chí đã được bạn đọc đặt mua hết trong chưa đầy 24 giờ mở bán. Sau khi giành giải tại cuộc thi International Manga Award, bộ truyện sẽ có bản tiếng Anh để đáp ứng sự quan tâm của bạn đọc thế giới.
2/Trong vòng 6 năm, việc 3 đại diện của Việt Nam vinh dự lên bục nhận giải của một cuộc thi uy tín là điều rất đáng mừng, chứng tỏ sự khởi sắc của truyện tranh Việt Nam. Không chỉ bằng lòng với sân chơi nội địa, truyện tranh Việt đang mạnh dạn hội nhập và chứng tỏ mình có đủ sức cạnh tranh với bạn bè quốc tế. Cùng với đó, nhiều tác giả trẻ với sự năng động, chịu khó học hỏi cũng như tận dụng khả năng về ngoại ngữ của mình đã hướng các hoạt động sáng tạo ra ngoài biên giới quốc gia, góp phần khẳng định thương hiệu Việt Nam. Tiêu biểu có thể kể đến họa sĩ trẻ Mai Bách đã kết hợp tác giả kịch bản Maxime de Lisle thực hiện bộ truyện tranh “Le Passage intérieur-Voyage essentiel en Alaska” (tạm dịch là “Inside Passage, chuyến thám hiểm không thể bỏ qua ở Alaska”). Tháng 6/2022, tác phẩm đã ra mắt tại Pháp và nhận được nhiều sự khen ngợi.
Theo dõi thị trường truyện tranh Việt Nam những năm qua, có thể thấy một tín hiệu đáng mừng, đó là truyện tranh Việt đã ngày càng khẳng định được chỗ đứng của mình ở trong nước. Nếu như trước kia hầu như độc giả chỉ tìm đọc truyện tranh ngoại, 90% thị phần truyện tranh Việt Nam thuộc về các tác phẩm nhập ngoại thì nay cán cân xuất bản đã có những điều chỉnh tích cực. Nhiều đơn vị xuất bản đã chủ động tìm kiếm và mời gọi các tác giả tham gia viết truyện tranh. Như năm 2022, NXB Kim Đồng đã cho ra mắt bộ truyện tranh “Sơn, Goal!” về bóng đá. Đây là dự án truyện tranh Manga đầu tiên có sự tham gia của đông đảo ekip sáng tác, xuất bản tại Việt Nam và nội dung “thuần Việt” đã tạo được sự thích thú với nhiều độc giả nhỏ tuổi. Cùng với đó là những hoạt động sôi nổi của các dự án gây quỹ cộng đồng để xuất bản truyện tranh made in Việt Nam vẫn đang diễn ra.
Từ thực tiễn cho thấy nhu cầu của độc giả đối với truyện tranh đang chiếm một phần đáng kể trong hoạt động xuất bản hiện nay. Do đó, thay vì chọn giải pháp an toàn, tìm “sản phẩm ngoại” thì việc tạo cơ hội, điều kiện để khuyến khích phát triển truyện tranh Việt Nam rất cần được chú trọng. Ở các giai đoạn trước, nhiều bộ truyện tranh của các tác giả Việt Nam đã ghi được dấu ấn trong đời sống cộng đồng như “Thần đồng Đất Việt”, “Cô Tiên xanh”, “Trạng Quỳnh”, “Cậu bé rồng”… Thời gian qua, các bộ truyện như “Long Thần Tướng”, “Học viện bóng đá”, “Địa ngục môn”, “Việt sử kiêu hùng”, “Thần tích”... cũng đã được độc giả nồng nhiệt đón nhận. Do đó không chủ quan khi cho rằng, truyện tranh Việt đã sẵn sàng bước sang một trang mới: Hội nhập và phát triển mạnh mẽ.
Tuy nhiên bên cạnh sự vận động của cá nhân người sáng tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của độc giả thì các tác giả, nhất là những người trẻ rất cần sự tạo điều kiện, hỗ trợ từ các đơn vị xuất bản, nguồn tài trợ, cơ chế chính sách… để có thể yên tâm sáng tạo và cống hiến với nghề.