Rèn kỹ năng cho giáo viên trường nghề

Các trường cao đẳng nghề trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang triển khai nhiều giải pháp nâng cao kỹ năng nghề cho giáo viên, giảng viên, từ khâu tuyển chọn cho đến hoạt động bồi dưỡng, đào tạo, thử thách giáo viên trong môi trường công nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Giờ thực hành của học sinh Trường cao đẳng nghề Vĩnh Phúc.
Giờ thực hành của học sinh Trường cao đẳng nghề Vĩnh Phúc.

Trong khi nhiều trường nghề lao đao do thiếu người học, một số trường như Cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Vĩnh Phúc, Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc… vẫn có rất đông người học. Sau khi tốt nghiệp, hầu hết học sinh, sinh viên trường nghề dễ tìm việc và có thu nhập ổn định. Mấu chốt là các cơ sở này đào tạo có chất lượng, có nhiều thầy giỏi, say sưa chuyên môn.

Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Vĩnh Phúc Nguyễn Trung Thiện cho biết: Hằng năm, trường cử giáo viên học tập trải nghiệm tại các doanh nghiệp. Giáo viên còn được tham gia các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức. Năm qua, trường cử nhiều lượt giáo viên cốt cán tập huấn dạy nghề tại các nước Australia, Anh, Đức và Malaysia. Trường cũng cử giáo viên đi bồi dưỡng theo các chương trình đào tạo chuyển giao tiên tiến của EU, Nhật Bản, Hàn Quốc với kỹ năng nghề tương ứng.

Đến nay, toàn bộ giáo viên của trường đạt chuẩn trình độ kỹ năng nghề để dạy thực hành. Trường cũng xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để tuyển chọn, thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, thợ có trình độ tay nghề bậc cao của các doanh nghiệp tham gia giảng dạy. Nhờ có uy tín cao, những năm gần đây, trường duy trì từ 3.000-4.000 học sinh, sinh viên theo học. Trường cao đẳng nghề Vĩnh Phúc còn tăng cường rà soát và điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp thực tế sản xuất cũng như nhu cầu lao động của doanh nghiệp, tổ chức các hội giảng cấp trường, tham gia hội giảng toàn quốc. Nhiều giáo viên và học sinh của trường đoạt giải cao trong các hội thi. Trường đã có học sinh đoạt Huy chương đồng nghề điện lạnh tại Kỳ thi kỹ năng nghề cấp quốc gia năm học 2022-2023.

Để nâng cao chất lượng của từng ngành đào tạo, Trường cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Vĩnh Phúc đưa giáo viên đi tập huấn, thuê chuyên gia giỏi tập huấn cho giáo viên, nhờ đó giáo viên có thể bổ sung kiến thức cho sinh viên trong quá trình đào tạo. Những ngành như công nghệ thông tin, điện có nhiều giáo viên giỏi, học sinh giỏi. Trường đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác giáo dục và đào tạo, trao đổi giảng viên, sinh viên sang học tập và làm việc với hai trường đại học Cheongju và Chungbuk của Hàn Quốc.

Theo Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường Nguyễn Văn Đồng, các kỳ thi sơ tuyển giáo viên được tổ chức rất chặt chẽ, gồm thi lý thuyết và thao giảng. Trường cũng tìm giải pháp tăng thu nhập để giữ chân giáo viên giỏi, trong bối cảnh phải cạnh tranh nhân lực chất lượng cao với các doanh nghiệp. Đội ngũ giáo viên phải cập nhật thường xuyên các công nghệ mới, chẳng hạn như giáo viên dạy ngành ô-tô phải giỏi về điện, phần mềm. Bên cạnh đó, trường đầu tư mua sắm mô hình, thiết bị dạy nghề. Những giáo viên mới của Trường cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Vĩnh Phúc phải làm việc trong doanh nghiệp mỗi năm ba tháng như công nhân để thực hành tay nghề.

Các đơn vị khác trong tỉnh như Trường cao đẳng Cơ khí nông nghiệp cũng cử cán bộ, giáo viên đi tập huấn, đánh giá để đạt tiêu chuẩn giảng viên giáo dục nghề nghiệp. Nhiều giáo viên được cử đi học tập, nâng cao trình độ kỹ năng nghề, cập nhật khoa học công nghệ, quy trình sản xuất tại doanh nghiệp. Trường có ba giảng đường lý thuyết, sáu xưởng thực hành với đầy đủ máy móc, dụng cụ thực hành. Năm 2022, trường đầu tư 79 tỷ đồng xây dựng nhà giáo dục thể chất, xưởng điện tử công nghiệp và xưởng kỹ thuật máy nông nghiệp.

Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Tình cho biết: Đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cơ bản đủ về số lượng, chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng được yêu cầu đào tạo của các trường. Tỉnh Vĩnh Phúc cũng thường xuyên tổ chức hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp để rèn luyện kỹ năng nghề và kỹ năng sư phạm. Các trường nghề đang đóng góp nguồn nhân lực có chất lượng cho phát triển công nghiệp ở địa phương, được nhiều doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 1.509 giáo viên, giảng viên đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trình độ trên đại học có 726 người, đại học 479 người, cao đẳng 96 người, trung cấp và trình độ khác 208 người. Năm 2023, toàn tỉnh có 38.061 người tham gia học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trong đó: cao đẳng 4.059 người, trung cấp 16.503 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 17.499 người.