“Kí họa trong chiến hào” là nhật ký của họa sĩ Phạm Thanh Tâm (1932-2019) được ông viết khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với tư cách phóng viên chiến trường báo Quyết Thắng, tờ báo của Đại đoàn pháo binh 351.
Bản tiếng Anh của cuốn sách được Nhà xuất bản Asia Ink ấn hành năm 2005 và bản tiếng Pháp được Nhà xuất bản Armand Colin xuất bản năm 2011. Ấn bản tiếng Việt của Nhà xuất bản Kim Đồng sử dụng tư liệu thiết kế và hình ảnh của ấn bản tiếng Anh “Drawing Under Fire: War diary of a young Vietnamese artist” ấn hành năm 2005. Toàn bộ phần nhật ký của họa sĩ Phạm Thanh Tâm được đánh máy lại từ bản chép cuốn nhật ký năm 1954 của họa sĩ, do Nhà xuất bản Asia Ink cung cấp.
Bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng cho biết: “Cuốn nhật ký được họa sĩ Phạm Thanh Tâm lưu giữ suốt 50 năm. Đến năm 2005, nhật ký được dịch ra tiếng Anh và in thành sách cùng các tranh ký họa ông vẽ trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Với mong muốn giới thiệu cho độc giả Việt Nam, sau gần 20 năm, Nhà xuất bản Kim Đồng đã chính thức đưa được cuốn sách trở về quê hương trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ".
Các trang nhật ký kèm ảnh. (Ảnh từ triển lãm trực tuyến) |
“Kí họa trong chiến hào” được viết trực tiếp tại chiến trường, ngay trong chiến hào, dưới bom đạn, gồm 3 phần: “Đường ra trận”, “Trong chiến hào” và “Về hậu phương”.
“Đường ra trận” là đường lên với Điện Biên nơi Phạm Thanh Tâm ghi lại chân dung những người ông gặp trên đường ra chiến dịch, đó là dân công hỏa tuyến, công binh mở đường, thanh niên xung phong và đặc biệt gần gũi với ông là chân dung những người pháo thủ thức suốt đêm để kéo pháo lên trận địa.
10 pháo thủ cùng 70 lính bộ binh dùng sức người cộng với dây tời, xích sắt, thanh tre, thanh gỗ tự chế đưa pháo lên những dốc cao tới 65 độ. Kéo vào rồi lại kéo ra “chết không rời dây, chết không rời càng pháo...”
Khẩu đội 4 đang đánh tú lơ khơ. |
Phần 2 “Trong chiến hào” là những trang nhật ký viết trong suốt 55 ngày đêm của chiến dịch Điện Biên Phủ. Những ghi chép của ông trong những ngày này là trang tư liệu sống động hữu ích cho bất cứ ai muốn tìm hiểu về chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong chiến hào, dưới tầm đại bác nơi ranh giới giữa sống và chết rất mong manh, “Kí họa trong chiến hào” thiết tha tình đồng đội, đồng chí giàu lòng trắc ẩn.
Phần 3 “Về hậu phương” là niềm vui chiến thắng, những dự cảm về cuộc chiến phía trước để có được ngày hòa bình lâu dài.
Trong chiến tranh có tình yêu và thù hận. Chiến tranh là vậy. Nhưng hận thù không đủ thắng một cuộc chiến. Chúng tôi đã có một tình yêu lớn lao, tình yêu nước và tình yêu dành cho nhau. Những xúc cảm yêu thương đó là những gì tôi bày tỏ trong nhật ký và mang theo mình suốt cuộc đời.
Họa sĩ Phạm Thanh Tâm
Ngoài nội dung nhật ký, phần hình ảnh của “Kí họa trong chiến hào” rất đặc sắc. Trong sách có hình ảnh 16 trang nhật ký gốc gồm các trang viết tay, trang vẽ bản đồ, hiện vật thời chiến…
Chăm sóc thương binh. |
Đặc biệt nhất là hơn 30 bức tranh ký họa được tác giả vẽ trong chiến hào. Sống cùng những người lính trong suốt những ngày gian khó nhất ở chiến trường Điện Biên Phủ, cho nên họa sĩ Phạm Thanh Tâm đã có những bức ký họa sống động và đầy cảm xúc về họ, những người đồng đội của mình. Đó là tình cảm tế nhị của người lính về cuộc chia tay với người thương, tình đồng đội sâu sắc qua những bức ký họa chăm sóc thương binh. Đó cũng là niềm vui thường ngày của người lính bên bờ suối ngay sau ngọn đồi E khốc liệt giữa chiến dịch, niềm vui hòa bình khi những bông hoa nở trên mũ sắt vỡ…
Những người lính pháo binh đang điều khiển khẩu pháo 105 li trong hầm pháo, năm 1954. |
Ra mắt độc giả thế giới từ năm 2005, sau 20 năm đã trở lại với độc giả Việt Nam đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, “Kí họa trong chiến hào” vẫn giữ nguyên vẹn giá trị thời sự và nhân văn của nó. Từ góc nhìn của người trong cuộc, “Kí họa trong chiến hào” thấm đẫm lòng yêu nước, tình cảm quân - dân, tình đồng chí…
Họa sĩ Phạm Thanh Tâm sinh năm 1932 tại Hải Phòng, quê gốc Nam Định. Ông theo học một trong những khóa Mỹ thuật kháng chiến đầu tiên được mở ở chiến khu, với sự dìu dắt của các hoạ sĩ bậc thầy Mai Văn Nam, Lương Xuân Nhị, Bùi Xuân Phái... Mười bảy tuổi, Phạm Thanh Tâm nhập ngũ và trở thành phóng viên chiến trường kiêm họa sĩ trong cả hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc: Kháng chiến chống Pháp và Kháng chiến chống Mỹ. Ông từng tham gia các chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) và Khe Sanh (1968). Ông nghỉ hưu với quân hàm Đại tá và qua đời tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2019.
Các tác phẩm của ông hiện là một phần trong bộ sưu tập tranh thời chiến của Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam và Bảo tàng Anh.
Bà Vũ Thị Quỳnh Liên - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng chia sẻ: “Cuốn nhật ký là một tư liệu lịch sử quý giá với cách thể hiện độc đáo và đầy cảm xúc về chiến dịch Điện Biên Phủ. Chúng tôi tin rằng, cuốn sách sẽ giúp bạn đọc trẻ tuổi hiểu hơn về quá khứ hào hùng của dân tộc, về lòng dũng cảm, sức chịu đựng gian khổ của những người lính bộ đội Cụ Hồ, từ đó thêm trân trọng và biết ơn những hy sinh của cha ông vì nền độc lập của dân tộc”.