Người vẽ tranh qua hai cuộc kháng chiến

Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức trưng bày tranh của họa sĩ Phạm Thanh Tâm với chủ đề “Kháng chiến và hội họa”. Cuộc đời gắn liền với hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, quãng thời gian đó đã trở thành tư liệu quý để ông sáng tạo nên nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị.

Họa sĩ Phạm Thanh Tâm. Ảnh tư liệu của Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh
Họa sĩ Phạm Thanh Tâm. Ảnh tư liệu của Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh

Họa sĩ Phạm Thanh Tâm sinh năm 1933 tại Hải Phòng, nhưng quê quán của ông ở làng Vĩnh Lại, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Ðịnh. Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, từ năm 14 tuổi ông đã tham gia làm liên lạc viên của Ban tuyên truyền Chiến khu 3. Là người yêu hội họa từ nhỏ, năm 15 tuổi, họa sĩ Phạm Thanh Tâm bước đầu tiếp xúc với mỹ thuật bằng cách theo học sáu tháng lớp hội họa Phù Lưu Chanh của Hội văn hóa khu 3. Từ đó, ông cùng đồng đội tham gia vẽ tranh tuyên truyền, cổ động phục vụ quân đội. Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến hồi ác liệt nhất, ông đã tình nguyện tham gia quân đội và có mặt trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ lẫy lừng. "Những giây phút chiến đấu trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ là những giây phút không thể nào quên trong cuộc đời tôi, in đậm trong tôi để sau đó tôi ghi lại bằng chính tác phẩm của mình", họa sĩ Phạm Thanh Tâm kể trong niềm xúc động.

Từ chiến dịch lịch sử ấy, họa sĩ Phạm Thanh Tâm đã cho ra đời các tác phẩm nổi bật: Xuân trong hầm pháo Ðiện Biên Phủ, Ðường lên Ðiện Biên năm xưa, Cảnh nhà sàn Ðiện Biên Phủ. Ðây không chỉ là những tác phẩm có giá trị nghệ thuật mà còn là những tư liệu lịch sử quý giá.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, họa sĩ Phạm Thanh Tâm tiếp tục lên đường theo tiếng gọi non sông. Ông có mặt ở những chiến trường ác liệt nhất như Khe Sanh, Quảng Trị… Nơi trận chiến ác liệt, người chiến sĩ, họa sĩ, phóng viên Phạm Thanh Tâm vẫn không ngừng say mê nghệ thuật. Mỗi vùng đất, mỗi trận đánh ông đều ký họa lại một cách nhanh chóng. Trong thời gian này, họa sĩ Phạm Thanh Tâm còn vẽ nhiều ký họa, tranh đả kích, châm biếm được đăng trên các báo với bút danh Huỳnh Biếc. Với tình yêu hội họa mãnh liệt, ông đã cho ra đời những tác phẩm Cửa ngõ Sài Gòn 30-4-1975, Sâu thẳm rừng Trường Sơn, Ngày xưa Quảng Trị… một cách chân thật và xúc động.

Sau khi đất nước thống nhất, từ năm 1989, họa sĩ Phạm Thanh Tâm cùng gia đình vào TP Hồ Chí Minh sinh sống. Suốt cuộc đời cách mạng và hoạt động nghệ thuật của mình, họa sĩ Phạm Thanh Tâm đã có hàng nghìn tác phẩm hội họa đa dạng về chất liệu. Trong đó, mảng đề tài về người lính, cuộc sống và tình quân dân trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc chiếm phần lớn và là đề tài thành công nhất của ông.

Họa sĩ Tạ Kim Dung, người cùng học chung với họa sĩ Phạm Thanh Tâm tại Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Trường đại học Mỹ Thuật Việt Nam) giai đoạn 1964 - 1968, nhận xét: "Ðiểm nổi bật trong tác phẩm của họa sĩ Phạm Thanh Tâm là ông vẽ trực diện cho nên chứa đựng nhiều xúc cảm. Những bức tranh miêu tả về cuộc sống của người dân, cuộc sống Bộ đội Cụ Hồ nơi chiến trường thật sự là những tư liệu quý hiếm".

Nhìn lại quãng thời gian sáng tác nơi chiến trường của mình, họa sĩ Phạm Thanh Tâm cho biết, hình ảnh đẹp nơi chiến trường nhiều lắm, đẹp từ cảnh vật đến con người. Nhưng mọi thứ đều lướt qua rất nhanh, cho nên người họa sĩ phải biết cách để ghi lại những gì tiêu biểu nhất. "Những lúc ấy, điều quan trọng đối với người họa sĩ là đã thấy được, đã cảm nhận và ghi nhớ… Ðấy chính là cơ sở dựng lại tranh bố cục về sau và cũng là vốn sống của người nghệ sĩ", họa sĩ Phạm Thanh Tâm chia sẻ.

Chính vì thế, trong cuốn sổ tay của ông luôn đầy ắp những ký họa. Sau mỗi chuyến đi, có những bức dùng để triển lãm nhưng cũng có những bức chỉ là "của để dành" cho những bức họa sau này. Tranh của họa sĩ Phạm Thanh Tâm luôn nhận được nhiều ý kiến đánh giá, phần lớn là lời khen. "Trước mỗi khen chê, tôi phải nhận ra ngay đâu là lời khuyến khích, chỗ nào là quá khen, chỗ nào là chê vừa phải, chỗ nào chê nhẹ. Từ đó tôi tìm ra những đặc điểm để ký họa tốt nhất. Dù thế nào, trước hết, đó là những tài liệu tốt vì chúng đang mang trong mình hơi thở nóng hổi của cuộc sống ngoài mặt trận", họa sĩ Phạm Thanh Tâm tâm sự.

Ở độ tuổi "xưa nay hiếm" nhưng với họa sĩ Phạm Thanh Tâm, niềm đam mê hội họa vẫn luôn cháy mãi. Khi nào sức khỏe cho phép, ông vẫn ngồi trước giá vẽ để tiếp tục ghi lại ký ức của mình qua hai cuộc kháng chiến mà với ông đã thấm sâu vào hồn, đã trở thành máu thịt.