Đó là những ấn phẩm tái hiện một cách đầy sống động những khoảnh khắc, hoàn cảnh cũng như tinh thần của những con người tham gia chiến dịch với một trái tim khát khao độc lập, tự do cho Tổ quốc...
Nhiều ấn phẩm ra mắt trong dịp này được đầu tư công phu về mặt mỹ thuật. Cuốn “Kể chuyện Điện Biên Phủ” của nhà văn Hữu Mai cung cấp hình dung cơ bản nhất về Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” với những bức tranh minh hoạ màu công phu, sinh động của họa sĩ Nguyễn Thế Phương.
Bộ sách “Những anh hùng trẻ tuổi” với 3 cuốn sách khắc họa chân dung, chiến công và sự hy sinh anh dũng của ba chiến sĩ kiên cường trong chiến dịch Điện Biên Phủ: Phan Đình Giót - anh hùng lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Bế Văn Đàn - lấy thân mình làm giá súng để đồng đội nhằm thẳng quân thù mà bắn, Tô Vĩnh Diện - anh hùng lấy thân mình chèn pháo.
Câu chuyện về cuộc đời của ba chiến sĩ Điện Biên anh hùng được khắc hoạ rõ nét và sinh động qua lời kể súc tích của tác giả Hoài Lộc, Hiếu Minh và tranh minh họa màu sống động của họa sĩ Lê Minh Hải.
“Ký họa trong chiến hào - Nhật kí chiến tranh của một người lính trẻ trong chiến dịch Điện Biên Phủ” của họa sĩ Phạm Thanh Tâm. |
Trong số các ấn phẩm ra mắt lần này có một cuốn sách đặc biệt: “Ký họa trong chiến hào - Nhật ký chiến tranh của một người lính trẻ trong chiến dịch Điện Biên Phủ” của họa sĩ kiêm phóng viên chiến trường Phạm Thanh Tâm.
Ấn bản tiếng Việt sử dụng tư liệu thiết kế và hình ảnh của ấn bản tiếng Anh “Drawing Under Fire: War diary of a young Vietnamese artist” ấn hành năm 2005. Toàn bộ phần nhật ký của họa sĩ Phạm Thanh Tâm được đánh máy lại từ bản chép cuốn nhật ký năm 1954 của họa sĩ, do Nhà xuất bản Asia Ink cung cấp. Đây là lần đầu tiên cuốn sách được xuất bản tại Việt Nam.
Tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ với vai trò phóng viên chiến trường kiêm họa sĩ, Phạm Thanh Tâm khi ấy mới ở độ tuổi đôi mươi. “... Những bức ký họa của Phạm Thanh Tâm là tư liệu hiếm hoi còn sót lại từ chiến trường. Những hình ảnh mong manh trên những trang sổ tay khiến ta cảm nhận được tài hoa phác họa cái đẹp của một họa sĩ trẻ trung trong một trận chiến mà nhà báo Bernard B. Fall gọi là ‘một góc địa ngục’.” - Nhà xuất bản Asia Ink
Bà Vũ Thị Quỳnh Liên - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng chia sẻ: “Cuốn nhật ký là một tư liệu lịch sử quý giá với cách thể hiện độc đáo và đầy cảm xúc về chiến dịch Điện Biên Phủ. Chúng tôi tin rằng, cuốn sách sẽ giúp bạn đọc trẻ tuổi hiểu hơn về quá khứ hào hùng của dân tộc, về lòng dũng cảm, sức chịu đựng gian khổ của những người lính bộ đội Cụ Hồ, từ đó thêm trân trọng và biết ơn những hy sinh của cha ông vì nền độc lập của dân tộc”.
“Mùa ban thay áo” là tập truyện dài của tác giả trẻ Phan Đức Lộc khắc họa một Điện Biên với những ngọn núi ngời sắc màu kỳ ảo, những câu chuyện lịch sử hào hùng bên ánh lửa bập bùng, những tình cảm nồng ấm của đồng bào các dân tộc anh em và những mùa hoa ban đẹp man mác như dải thổ cẩm được dệt bằng hoài niệm.
Tác giả Phan Đức Lộc chia sẻ: “Sáu năm sinh sống và làm việc tại Điện Biên, tôi luôn ấp ủ dự định viết một cuốn sách về mảnh đất thiêng liêng này. Khi sự trải nghiệm đủ chín, sự cảm nhận đủ chạm, tôi mang những điều tôi ấn tượng vào truyện dài 'Mùa ban thay áo', thật tự nhiên, mộc mạc”.
“Những ký ức Điện Biên” là tập truyện ngắn tuyển chọn những tác phẩm hay viết về Điện Biên: “Người tù binh da đen” (Nguyễn Đình Thi), “Kéo pháo” (Chu Phác), “Đột phá khẩu” (Vũ Cao), “Chiến sĩ phá bom” (Hồ Phương), “Tổ chiến đấu không cầm súng” (Hải Hồ), “Ở bến phà P.12” (Vũ Sắc), “Phía rừng xa” (Cao Tiến Lê), “Về dưới bóng thông reo” (Lê Đình Trung), “Ông Điện Biên” (Du An).
Những truyện ngắn khắc họa chân dung những chiến sĩ “trẩy hội Điện Biên”, “khó khăn đến thế nào họ cũng quyết đi, không hề sợ hãi chùn bước” và cả những khoảng lặng sau chiến tranh, nỗi nhớ thương đồng đội khôn nguôi của người lính Điện Biên.
Để giúp các bậc phụ huynh, các em đội viên, thiếu nhi, các tổ chức cơ sở Đội, các thầy cô giáo và anh chị phụ trách Đội… có tư liệu học tập, tìm hiểu, tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản cuốn sách “70 câu hỏi - đáp về Chiến thắng Điện Biên Phủ”. Với cách thể hiện gần gũi, cuốn sách gồm những câu hỏi và đáp án ngắn gọn về địa danh, chiến thuật, chiến dịch, ý nghĩa lịch sử, gương anh hùng, liệt sĩ…
Cũng trong dịp này, Nhà xuất bản Kim Đồng đã tái bản với hình thức mới những ấn phẩm đặc sắc, khắc họa hình ảnh “người người lớp lớp” các vị tướng cầm quân tài ba, các chiến sĩ Điện Biên, dân công hỏa tuyến và cả những người dân bình dị góp phần làm nên chiến thắng lịch sử.
Đó là “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ” - cuốn sách kể về tuổi thơ, tuổi trẻ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Trung tướng Phạm Hồng Cư kể lại; “Người lính Điện Biên kể chuyện” - hồi ức của nhà giáo Đỗ Ca Sơn, một người lính đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. “Chuyện ở Đồi A1” của tác giả Nguyễn Tân là câu chuyện về trận đánh đồi A1 ác liệt và dai dẳng nhất suốt 38 ngày đêm trong chiến dịch Điện Biên Phủ. “Phía núi bên kia” - tiểu thuyết dành cho thiếu nhi đặc sắc của nhà văn Xuân Sách, vừa thấm đẫm tình cảm gia đình, tình bè bạn, vừa hồn nhiên trong trẻo. “Lá cờ chuẩn đỏ thắm” - tập truyện của nhà văn Hồ Phương không những khắc họa gương chiến đấu, hy sinh của các anh bộ đội Cụ Hồ, mà còn là truyện kể về người dân công, về đồng bào tham gia chiến dịch nồng hậu, nghĩa tình cùng chung lòng yêu nước và quyết tâm đánh đuổi giặc Pháp.
Ngoài ra, Kim Đồng cũng tái bản nhiều tác phẩm như “Người thợ chữa đồng hồ tại đường hầm số 1” - tập truyện ngắn của nhà văn Hữu Mai, “Điện Biên Chiến thắng, Điện Biên thơ” tuyển chọn những bài thơ đặc sắc, “Điện Biên Phủ của chúng em” - tập truyện ký tuyển chọn tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Trọng Quỳnh, Lê Vũ…