Ông Nguyễn Thế Mạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Tam nông Việt Nam cho biết, ngành nông nghiệp đóng vai trò chủ chốt trong sự phát triển toàn cầu vì “Người nông dân cung cấp thực phẩm cho cả thế giới”.
Ngành này, cũng đang là nơi tạo việc làm lớn thứ 2 trên thế giới. Mặt khác, thấu hiểu khó khăn của nông dân khi phải đối mặt với tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa; vì vậy, Hợp tác xã Tam Nông Việt Nam được hình thành để giải quyết những khó khăn cho nông dân Việt Nam, giúp nông sản Việt Nam vươn xa ra thế giới, đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội cao cho nông dân.
“Để giúp nông dân ổn định đầu ra, Hợp tác xã Tam nông Việt Nam sẽ tập trung vào các mảng chính: nghiên cứu, ứng dụng, khai thác nông nghiệp công nghệ cao; cung cấp các phương tiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp cho nông dân; cung cấp vật tư đầu vào, bao tiêu đầu ra cho sản phẩm, xuất khẩu các mặt hàng nông sản cho nông dân theo định hướng phát triển ngành nông nghiệp xanh, bền vững của Việt Nam; nghiên cứu ứng dụng trồng cây tre, thiết kế sản xuất nhà tre “Bamboo house”, ông Nguyễn Thế Mạnh nói.
Các đại biểu tham quan không gian trưng bày về mô hình thuần nông. |
Đại diện Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi cho biết, việc thành lập Hợp tác xã tại địa bàn sẽ giúp ngành nông nghiệp của huyện phát triển hơn, cụ thể là nông dân có điều kiện tiếp cận nhiều cây con giống chất lượng, sản phẩm nông nghiệp cũng được bao tiêu đầu ra ổn định.
Hiện nay, nông nghiệp tại huyện Củ Chi định hướng phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị. Vì vậy, huyện tập trung trồng và chăn nuôi những cây, con chủ lực, theo chỉ đạo của thành phố.
Trong chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp bền vững, các Hợp tác xã nông nghiệp tại các địa phương đóng vai trò quan trọng trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và liên kết, hợp tác phát triển sản xuất, là hướng đi tất yếu cho phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Ngoài ra, huyện chủ trương triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản; chính sách xây dựng nông thôn mới; chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị của thành phố.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp bền vững, các Hợp tác xã nông nghiệp tại các địa phương đóng vai trò quan trọng trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và liên kết, hợp tác phát triển sản xuất, là hướng đi tất yếu cho phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Với điều kiện thực tế hiện nay của các địa phương, phát triển các mô hình Hợp tác xã trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sẽ giúp nông dân ổn định đầu ra, có định hướng phát triển nông sản phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội cao.
Bởi có hợp tác liên kết, mới tập trung đất đai, tư liệu sản xuất, tạo ra vùng sản xuất tập trung, những cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu và điều kiện cần thiết để áp dụng tiến bộ khoa học-công nghệ mới vào sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn hóa về chất lượng sản phẩm, tạo ra khối lượng hàng hóa đủ lớn đáp ứng yêu cầu của chuỗi tiêu thụ/phân phối hiện đại, khắc phục những nhược điểm của kinh tế hộ nhỏ, lẻ hiện có của nền nông nghiệp Việt Nam.