Đánh thức tiềm năng phát triển của “đất thép” Củ Chi

NDO -

Là địa phương chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, giàu truyền thống cách mạng, huyện Củ Chi, vùng “đất thép thành đồng”, có nhiều tiềm năng và cơ hội trở thành cực tăng trưởng mới của Thành phố Hồ Chí Minh và cũng đang dần hình thành một đô thị mới.

Khách du lịch tham quan Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mạnh Hảo)
Khách du lịch tham quan Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mạnh Hảo)

Huyện Củ Chi nằm ở vị trí cửa ngõ phía Tây Bắc thành phố, cách trung tâm thành phố 30 km về phía Tây Bắc theo đường Xuyên Á, có diện tích tự nhiên gần 434,8 km2, chiếm 21% diện tích toàn thành phố. Đây là vùng đất cao, không bị sụt lún, thoát nước dễ dàng, không bị ngập úng, thuận lợi cho việc xây dựng đô thị hiện đại. Củ Chi tiếp giáp và kết nối thuận lợi với các tỉnh Long An, Bình Dương, Tây Ninh qua các trục giao thông chính (đường bộ có quốc lộ 22 - đường Xuyên Á, các tỉnh lộ, đường thủy có sông Sài Gòn).

Bên cạnh đó, khi nhà nước đầu tư đồng bộ các tuyến đường Vành đai 3, 4, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, lợi thế chiến lược và vị trí quan trọng trong liên kết Vùng kinh tế trọng điểm phía nam của Củ Chi sẽ càng được nâng cao hơn nữa, “đất thép” sẽ càng có thêm điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế.

Nhiều tiềm năng lẫn trở ngại

Theo Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi, huyện có quỹ đất nông nghiệp lớn, diện tích đất nông nghiệp khoảng 17 nghìn ha. Hiện nay, quỹ đất nông nghiệp này chưa được khai thác hiệu quả, đây là tiềm năng to lớn để phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị hiện đại, nông nghiệp công nghệ cao và là nguồn lực quan trọng để thu hút các dự án lớn đầu tư.

Còn theo đánh giá của một số chuyên gia và nhà đầu tư, ngoài lợi thế là cửa ngõ phía tây bắc để kết nối thành phố với các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ lẫn nước bạn Campuchia, Củ Chi còn có hơn 50 km hành lang sông Sài Gòn. Đây là tiền đề thuận lợi cho việc hình thành một trung tâm logistics quan trọng của cả thành phố lẫn Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Không những vậy, với những lợi thế đó, nếu được phát huy và đầu tư đúng mức, Củ Chi sẽ trở thành một đô thị đáng sống trong tương lai.

Tuy nhiên, theo nhiều đánh giá, hiện tại Củ Chi còn thiếu nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội. Cơ sở hạ tầng giao thông vừa thiếu vừa lạc hậu; các trục đường chính hiện nay như quốc lộ 22, tỉnh lộ 8, tỉnh lộ 15... đã quá tải, độ an toàn thấp. Trong khi đó, trên địa bàn Củ Chi có nhiều khu công nghiệp đang hoạt động. Do vậy, việc vận tải sản phẩm hàng hóa và nguyên vật liệu phục vụ sản xuất công nghiệp bằng xe container gặp không ít khó khăn. Từ thực tế đó, quan điểm của lãnh đạo huyện Củ Chi là các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của huyện này cần phải được điều chỉnh lại.

Theo đó, Củ Chi mong muốn trở thành một đô thị sinh thái, tận dụng lợi thế quỹ đất nông nghiệp cùng với nguồn lực huy động từ bên ngoài để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông sản sạch… Cùng với đó, Củ Chi cũng cần xây dựng và hình thành được một trung tâm logistics lớn và hiện đại… Có thể nói, việc đẩy mạnh đầu tư đồng bộ, nhất là đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông để thu hút doanh nghiệp vào Củ Chi sẽ giúp thành phố giải được bài toán mở rộng không gian phát triển, tạo ra cực tăng trưởng mới không chỉ cho thành phố mà cho cả Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Hiện thực hóa dần triển vọng

Ông Ken Chan, đại diện Quỹ Đầu tư CMIA Capital Partner cho biết: Dự án “Đô thị sinh thái Nông nghiệp Thực phẩm Công nghệ cao” tại xã Trung An, huyện Củ Chi đã được nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát từ năm 2018 với diện tích hơn 1.018 ha để xây dựng một khu đô thị sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản thực phẩm (300 ha); khu logistics - kết nối vùng (Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai), nguyên vật liệu chế biến nông nghiệp-thực phẩm khép kín. Trong đó, khu đô thị sinh thái gần gũi thiên nhiên, cân bằng sinh thái, đáp ứng mức dân số 100 nghìn người, là các chuyên gia, công nhân lao động, dịch vụ, thương mại và dân cư trong vùng.

Đánh thức tiềm năng phát triển của “đất thép” Củ Chi -0

Nông dân huyện Củ Chi trồng rau trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao. (Ảnh: Cao Tân).

Khi hình thành, dự án này sẽ tạo việc làm ổn định cho hàng chục nghìn lao động. Nhà đầu tư tự tin rằng, với kinh nghiệm và tiềm lực của mình, dự án sẽ mang lại động lực phát triển cho Thành phố Hồ Chí Minh nói chung và Củ Chi nói riêng. Trong khi đó, Công ty TNHH HM.Clause Việt Nam, có trụ sở chính tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao thành phố (huyện Củ Chi) đang kỳ vọng trở thành đơn vị sản xuất hạt giống hàng đầu Việt Nam. Để hiện thực hóa mục tiêu này, công ty đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hàng triệu euro để mở rộng sản xuất và hỗ trợ người nông dân trong việc chuyển giao công nghệ. Hiện, doanh thu của công ty đạt khoảng 3 triệu euro/năm và dự kiến sẽ đạt khoảng 5 triệu euro vào năm 2027.

Theo Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao thành phố, đến nay, đơn vị này đã hoàn thành công tác kêu gọi được 14 dự án nông nghiệp công nghệ cao đầu tư đóng trên địa bàn huyện Củ Chi. Các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu ở các lĩnh vực về nghiên cứu, phát triển và sản xuất hạt giống rau; xử lý trái cây bằng nhiệt; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu; sản xuất cây giống và rau thương phẩm; sản xuất hoa lan và cây cảnh; chế biến, bảo quản nông sản; mô hình canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nghiên cứu, sản xuất chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp…

Định hướng trong thời gian tới, Khu Nông nghiệp công nghệ cao thành phố trở thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiên phong trên cả nước về lĩnh vực trồng trọt, thủy sản và hướng tới phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp bền vững trước yêu cầu chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng giảm quy mô nhưng lại tăng về giá trị, xứng đáng là đầu tàu dẫn dắt cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đánh thức tiềm năng phát triển của “đất thép” Củ Chi -0

Nhân giống hoa lan trong ống nghiệm tại Khu nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Cao Tân)

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi do Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức vào ngày 12/4 vừa qua, nhiều biên bản ghi nhớ thỏa thuận đầu tư vào huyện Củ Chi được trao. Cụ thể, Biên bản ghi nhớ thỏa thuận đầu tư giữa Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi và Tập đoàn Sovico về việc đầu tư: Dự án Công viên Sài Gòn Safari; Khu nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái và dân cư nhà vườn xã Phú Mỹ Hưng - Phân khu 1; Khu nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái và dân cư nhà vườn xã An Phú - Phân khu 2; Khu công nghiệp kỹ thuật cao, khu cảng sông và logistics với quy mô 420 ha; Khu nông nghiệp công nghệ cao với quy mô 350 ha; Khu làng nghề hoa, cây cảnh, cá cảnh với quy mô 509 ha…

Cùng với đó là biên bản ghi nhớ thỏa thuận đầu tư giữa Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi và Quỹ đầu tư CMIA Capital Partners về đầu tư Khu nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái và dân cư nhà vườn tại xã Trung An, trị giá khoảng 1,1 tỷ USD; biên bản ghi nhớ thỏa thuận đầu tư giữa Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao thành phố và Công ty TNHH HM.Clause Việt Nam về đầu tư Dự án phát triển công nghệ cao trong nghiên cứu hạt giống rau củ quả, trị giá 4,5 triệu USD. Biên bản ghi nhớ thỏa thuận đầu tư giữa Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao và Công ty Goodlife về mở rộng đầu tư nhà máy sản xuất, chế biến các sản phẩm từ trái cây Việt Nam, trị giá 5 triệu USD…

Theo Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi, hiện Củ Chi có sáu dự án lớn, phù hợp quy hoạch, các nhà đầu tư có thể triển khai đầu tư ngay. Đó là các dự án: Khu công viên Sài Gòn Safari (diện tích 456,85 ha); Khu Trung tâm thương mại (12,29 ha); Khu làng nghề hoa, cây cảnh, cá cảnh (509 ha); sân golf tại xã Tân Thông Hội (200 ha); Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi (phần mở rộng, 173,24 ha); Cụm công nghiệp Bàu Trăn (75 ha).

Bên cạnh đó, huyện cũng đề xuất thành phố điều chỉnh tính chất quy hoạch của Dự án 10 phân khu ven sông Sài Gòn cho phù hợp theo đề xuất của nhà đầu tư. Nội dung đề xuất điều chỉnh là chuyển dự án nói trên từ Khu nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái và dân cư nhà vườn ven sông Sài Gòn thành Khu đô thị sinh thái ven sông Sài Gòn, nhằm tăng tỷ lệ đất ở lên 40% để phát triển các dự án đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư.

Đồng chí Phạm Thị Thanh Hiền, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi cho biết: Khi được thành phố chấp thuận điều chỉnh quy hoạ Ủy ban nhân dân huyện và các đơn vị liên quan sẽ tích cực hỗ trợ công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch trong thời gian sớm nhất nhằm nhanh chóng đưa dự án vào triển khai ngay và đồng bộ. Bên cạnh đó, kiến nghị thành phố đẩy mạnh đầu tư, phát triển hạ tầng, nhất là phát triển hệ thống giao thông trục chính như tuyến quốc lộ 22, cao tốc Mộc Bài - thành phố, tuyến đường Vành đai 3, 4; nâng cấp, mở rộng lộ giới các tỉnh lộ 8, tỉnh lộ 15…; phát triển giao thông thủy trên sông Sài Gòn. Đồng thời, khi có chủ trương đầu tư, huyện cam kết hỗ trợ nhà đầu tư trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nhằm tạo quỹ đất sạch, tổ chức đấu giá theo quy định để nhà đầu tư triển khai dự án được nhanh chóng.

Đánh thức tiềm năng phát triển của “đất thép” Củ Chi -0

Một góc thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi. (Ảnh: Hoàng Liêm)

Đồng chí Phạm Thị Thanh Hiền chia sẻ: Chúng tôi kỳ vọng nhiều nhà đầu tư quan tâm và đánh thức tiềm năng của Củ Chi để tạo ra nhiều giá trị to lớn nhằm phát triển hơn nữa vùng đất anh hùng, xứng đáng với địa danh “đất thép thành đồng” trong kháng chiến và anh hùng, đi đầu trong thời kỳ đổi mới; để nhân dân Củ Chi có cuộc sống sung túc trên chính mảnh đất mà biết bao thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu để giữ gìn. Chúng tôi rất mong nhà đầu tư xúc tiến triển khai thực hiện ngay những dự án quan tâm chứ không giữ đất mà không hoặc chậm trễ đầu tư, gây lãng phí nghiêm trọng nhiều nguồn lực cũng như làm lỡ thời cơ phát triển…