Động lực giúp hợp tác xã vươn lên

Sau hơn ba năm thực hiện Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND tỉnh Lạng Sơn về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025, đến nay nhiều hợp tác xã đã tiếp cận được chính sách hỗ trợ, từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Hội viên Hợp tác xã rau, củ quả Gia Cát, Cao Lộc ứng dụng khoa học-công nghệ vào trồng rau theo tiêu chuẩn Viet GAP.
Hội viên Hợp tác xã rau, củ quả Gia Cát, Cao Lộc ứng dụng khoa học-công nghệ vào trồng rau theo tiêu chuẩn Viet GAP.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 466 hợp tác xã, trong đó hợp tác xã hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực nông, lâm nghiệp chiếm hơn 72%, còn lại là các hợp tác xã phi nông nghiệp. Doanh thu bình quân của các hợp tác xã trong năm 2022 đạt từ 600 triệu đồng đến một tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 8.000 lao động, với thu nhập bình quân từ ba triệu đến bảy triệu đồng/người/tháng.

Đòn bẩy giúp hợp tác xã vươn lên

Từ nhiều năm trước, chị Phạm Thị Huệ ở xã Quốc Khánh (huyện Tràng Định) đã triển khai mô hình nuôi vịt đẻ trứng, nhưng nguồn vốn hạn chế, kinh nghiệm chưa có, nên quy mô đàn nhỏ. Năm 2021, chị cùng một số thành viên thành lập Hợp tác xã Quốc Khánh.

Thông qua công tác tuyên truyền, chị Huệ đã biết đến nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 08 và được hướng dẫn vay 390 triệu đồng, Nhà nước hỗ trợ lãi suất 100%. Chị Huệ cho biết: Nguồn vốn này đã giúp gia đình tôi có thêm nguồn lực để mua thêm con giống, thức ăn, cải tạo chuồng trại. Đến nay, Hợp tác xã Quốc Khánh duy trì đàn vịt đẻ trứng 3.000 con và 1.000 con vịt lấy thịt; trồng được 13ha cây ăn quả, tạo việc làm cho 50 chị em trong xã. Doanh thu bình quân mỗi năm hơn một tỷ đồng, đạt lợi nhuận 600 triệu đồng.

Được thành lập từ năm 2014, Hợp tác xã Thủy sản Lân Vục, xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Ông Phùng Văn Quyển, Giám đốc hợp tác xã cho biết: Năm 2021, sau khi được tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 08, hợp tác xã đã chủ động tìm hiểu và triển khai các thủ tục để tiếp cận chính sách hỗ trợ đưa trí thức trẻ về làm việc.

Với lợi thế trí thức trẻ có trình độ chuyên môn tốt đã hỗ trợ hợp tác xã xử lý các công việc liên quan đến kế toán, kỹ thuật chăm sóc… Qua đó, góp phần giúp hợp tác xã từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng diện tích ao nuôi được mở rộng lên 24.000m2 (tăng 4.000m2 so với khi vừa thành lập); hằng năm thu lãi hơn 300 triệu đồng.

Đa dạng hóa hình thức hỗ trợ

Chủ tịch liên minh Hợp tác xã tỉnh Liễu Xuân Du chia sẻ: Các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đều có quy mô nhỏ, gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như: thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, chưa áp dụng được khoa học, kỹ thuật, thiếu nhân lực chất lượng cao.

Trước những khó khăn đó, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND về khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ thành lập mới hợp tác xã; đưa trí thức trẻ về làm việc tại các hợp tác xã, hỗ trợ hợp tác xã xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường… Ngay sau khi nghị quyết được ban hành, các cấp, ngành liên quan khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các bước hỗ trợ.

Các giải pháp cụ thể đã giúp nhiều hợp tác xã tiếp cận được chính sách hỗ trợ. Cụ thể, từ khi thực hiện Nghị quyết 08 đến nay, trên địa bàn tỉnh có sáu hợp tác xã được vay vốn hỗ trợ lãi suất tín dụng với dư nợ 19,6 tỷ đồng; hỗ trợ 79 hợp tác xã thành lập mới với kinh phí 1,58 tỷ đồng; hỗ trợ 28 trí thức trẻ về làm việc tại 26 hợp tác xã với số tiền hỗ trợ 980 triệu đồng; hỗ trợ 90 lượt hợp tác xã tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, xây dựng các sản phẩm OCOP…

Ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lạng Sơn cho biết: Bên cạnh các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 08, trong những năm qua, nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như: hỗ trợ phát triển sản xuất (chương trình xây dựng nông thôn mới); hỗ trợ sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm); hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất; hỗ trợ trí thức trẻ về làm việc...

Các chính sách hỗ trợ đó đã giúp các tổ chức, cá nhân, trong đó có nhiều hợp tác xã thêm nguồn lực, khắc phục khó khăn, đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ, qua đó, góp phần vào việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.