Thành phố Hồ Chí Minh:

Quyết liệt cải cách hành chính hiệu quả hơn nữa

NDO - Với một đô thị có nhịp sống sôi động với hơn 10 triệu dân như Thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu thực hiện các giao dịch hành chính của người dân và doanh nghiệp luôn rất lớn. Thực tế đó đòi hỏi các cơ quan, đơn vị, địa phương phải không ngừng nâng cao cách thức vận hành, ứng dụng công nghệ, cung cách phục vụ để công tác cải cách hành chính ngày một hiệu quả hơn nữa. Tuy nhiên, ở nhiều đơn vị, địa phương, đây vẫn là vấn đề khiến nhiều người dân bức xúc.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân làm thủ tục hành chính tại Ủy ban nhân dân phường Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân.
Người dân làm thủ tục hành chính tại Ủy ban nhân dân phường Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân.

Bên cạnh những mô hình hay, hiệu quả về cải cách hành chính, ở nhiều đơn vị, địa phương, tình trạng chậm trễ, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành vẫn còn xảy ra.

Nhiều nơi chưa sâu sát

Bà Nguyễn Thị Hằng, sinh năm 1968, ngụ phường 1, quận Bình Thạnh suốt hơn hai năm qua đã nhiều lần nộp hồ sơ lên cơ quan chức năng của quận để làm thủ tục hoàn công căn nhà của gia đình. Tuy nhiên, qua nhiều lần tiếp xúc, thực hiện các giao dịch hành chính, bà Hằng vẫn chưa thể hoàn tất hồ sơ này theo nhu cầu của mình.

Bà Hằng cho rằng, năm 2019, khi xây dựng nhà, gia đình bà thực hiện theo các thiết kế, hồ sơ được cơ quan chức năng cấp duyệt. Riêng với ô che cầu thang, gia đình bà có thiết kế mái che bằng vật liệu nhẹ. Ở bên hông căn nhà, để bảo đảm an ninh trật tự, bà cũng gắn thêm lưới sắt nằm trong ranh giới hạn của đất nhà mình và hoàn toàn không ảnh hưởng đến các hộ dân chung quanh.

Do thời gian chờ việc phản hồi kết quả từ phía các cơ quan chức năng của quận Bình Thạnh quá lâu, gia đình bà Hằng đã có đơn khiếu nại và tiếp xúc công dân với lãnh đạo quận để tìm câu trả lời xác đáng. Tuy nhiên, sau hai lần tiếp xúc với lãnh đạo quận, đến nay, việc xử lý hồ sơ hoàn công nhà của gia đình bà Hằng vẫn chưa thực hiện xong.

Đáng nói, trong lần tiếp xúc gần nhất, lãnh đạo quận Bình Thạnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng có văn bản tham mưu, hướng giải quyết để thông tin đến bà Hằng trước ngày 15/10, tuy nhiên, đến thời điểm 31/10 gia đình bà Hằng vẫn chưa nhận được văn bản chính thức nào từ phía Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh.

Gia đình tôi mong chờ sự hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể các thủ tục hành chính cần thiết từ phía các cơ quan chức năng để giải quyết nhu cầu nhưng đến nay mọi việc vẫn chưa có tiến triển.

Bà Nguyễn Thị Hằng

Trong nhiều năm trở lại đây, cải cách hành chính là công tác luôn được lãnh đạo thành phố triển khai quyết liệt để đồng hành, hỗ trợ người dân. Những nỗ lực này đã góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội khi các giao dịch, thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp được thực hiện nhanh hơn.

Cùng với đó, với sự ứng dụng công nghệ vào quá trình thực hiện cũng góp phần quan trọng vào quá trình giải quyết cũng như chuyển đổi số của thành phố. Thành phố Hồ Chí Minh cũng là địa phương có nhiều mô hình cải cách hành chính hiệu quả, nổi bật được nhiều nơi nhân rộng nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

 Quyết liệt cải cách hành chính hiệu quả hơn nữa ảnh 1

Cán bộ Ủy ban nhân dân phường Bình Thọ, thành phố Thủ Đức làm thủ tục hành chính tại nhà cho người dân

Và năm 2023, thành phố tiếp tục lấy công tác cải cách hành chính là một trong các nội dung trọng tâm để đưa vào chủ đề năm là: “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội”.

Tuy vậy, bên cạnh các kết quả đạt được, công tác cải cách hành chính vẫn tiếp tục bộc lộ nhiều hạn chế. Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Nhân cho biết, công tác cải cách hành chính vẫn còn những điểm nghẽn như: tỷ lệ hồ sơ quá hạn còn cao; cung cấp dịch vụ công còn yếu; thanh toán trực tuyến chưa đáp ứng mục tiêu của Chính phủ; số hóa hồ sơ, sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đạt được như yêu cầu…

Theo ông Huỳnh Thanh Nhân, là một đô thị lớn nên lượng hồ sơ người dân thực hiện giao dịch trong ngày là rất lớn cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến sự quá tải, chậm trễ.

Tuy nhiên, một phần nguyên nhân lớn cũng đến từ việc người đứng đầu các cơ quan hành chính chưa quan tâm, sâu sát đến công tác kỷ luật hành chính, chưa chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện cải cách hành chính.

Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu

Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, kết luận phiên họp Ban Chỉ đạo cải cách hành chính quý 3/2023 mới đây, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi yêu cầu thủ trưởng sở, ban, ngành, chủ tịch ủy ban nhân dân các địa phương tăng cường trách nhiệm công vụ, trách nhiệm của người đứng đầu; từng cán bộ, công chức, viên chức gắn với nhiệm vụ được phân công.

Đồng thời, tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng; rà soát quy trình nội bộ, giảm khâu trung gian. Thực hiện cải tiến công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành và địa phương theo hướng xác định cụ thể đối tượng lấy ý kiến, nội dung lấy ý kiến, nội dung trả lời, thời gian trả lời, mẫu hóa văn bản trả lời trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và chữ ký số.

Ông Phan Văn Mãi cũng yêu cầu các sở ngành, địa phương phải công khai danh sách cán bộ, công chức, viên chức xử lý hồ sơ hành chính chậm cũng như nghiêm túc gửi thư xin lỗi khi giải quyết hồ sơ trễ hạn đối với người dân, doanh nghiệp.

Ủy ban nhân dân thành phố cũng yêu cầu công bố, công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết để người dân, doanh nghiệp biết, thực hiện và giám sát.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp, kết quả chuyển đổi số trong phương thức chỉ đạo, điều hành.

Các cơ quan, đơn vị tập trung xử lý hồ sơ và công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố.