Phúc Thọ tăng cường đối thoại với người dân

Những năm qua, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) thường xuyên tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh từ cơ sở, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân phát biểu tại buổi đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền huyện Phúc Thọ.
Người dân phát biểu tại buổi đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền huyện Phúc Thọ.

TÍNH đến ngày 23/8, toàn bộ 21 xã, thị trấn huyện Phúc Thọ đã hoàn thành tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân. Các buổi đối thoại đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị lớn, thu hút gần 2.500 đại biểu tham dự trực tiếp, với hơn 200 ý kiến phát biểu.

Nhiều ý kiến đóng góp của người dân được tập hợp, gửi đến cấp ủy chính quyền các cấp trước khi diễn ra đối thoại. Nội dung tập trung vào các nhóm vấn đề chính như phát triển kinh tế nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; xây dựng nông thôn mới; công tác quản lý đất đai, tài nguyên môi trường; quản lý đô thị, trật tự xây dựng; giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng cơ bản; phát triển giao thông; chính sách an sinh xã hội...

Tại các buổi đối thoại, nhiều nội dung phản ánh của người dân được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền làm rõ hoặc chỉ đạo lực lượng chức năng giải quyết, với tiến độ thời gian cụ thể, được người dân ghi nhận. Anh Nguyễn Văn Ngọc, người dân sinh sống tại xã Thanh Đa chia sẻ, trên địa bàn xã có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ gỗ, tạo việc làm, thu nhập khá cho người dân.

Tuy nhiên, do hoạt động sản xuất nằm trong khu dân cư dẫn đến môi trường ô nhiễm. Tại các buổi đối thoại, người dân nhiều lần đề nghị chính quyền xây dựng cụm công nghiệp để di chuyển các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư. Đến nay, mong muốn của người dân đã trở thành hiện thực. Cụm công nghiệp Thanh Đa được khởi công xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi để người dân đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển nghề và cải thiện môi trường.

Bên cạnh việc tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tại các xã, thị trấn, Ủy ban nhân dân huyện Phúc Thọ còn đối thoại với cá nhân, tổ chức về thủ tục hành chính và giải quyết thủ tục hành chính. Nhiều ý kiến liên quan đến khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa, thủ tục cấp đổi thẻ bảo hiểm y tế, được các cơ quan chuyên môn như Phòng Tài nguyên và Môi trường, chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai... hướng dẫn, tháo gỡ cụ thể.

Theo đại diện Ủy ban nhân dân huyện Phúc Thọ, xác định cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ quan trọng, nhất là thể hiện vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, thời gian qua huyện tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn, phòng, ban chuyên môn, đơn vị chức năng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, theo tinh thần phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Từng cán bộ, công chức làm việc trách nhiệm, hiệu quả, thực hiện đúng quy tắc ứng xử, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân. Nhờ đó, chỉ số cải cách hành chính của huyện tăng chín bậc, đứng thứ 12/30 địa phương trên địa bàn thành phố.

Mới đây, tại buổi đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với đại diện người dân huyện Phúc Thọ năm 2023, đã có 145 ý kiến, kiến nghị thuộc bảy nhóm vấn đề được tổng hợp từ Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân. Ý kiến đã được Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các đơn vị trả lời bằng văn bản gửi về các xã, thị trấn, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội để giám sát việc thực hiện.

Tại buổi đối thoại, tám ý kiến, kiến nghị của người dân đã được giải đáp thỏa đáng. Nhiều vấn đề vướng mắc kéo dài, phức tạp được giải quyết dứt điểm.

Theo Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ, Nguyễn Doãn Hoàn, việc tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân được huyện Phúc Thọ duy trì nền nếp nhiều năm nay và ngày càng hiệu quả, thiết thực. Các nội dung kiến nghị đều được ghi nhận, với lộ trình giải quyết rõ ràng, cụ thể.

Các buổi đối thoại đã giúp người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trực tiếp lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, phản ánh của người dân để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời, hiệu quả. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục tăng cường đối thoại với người dân, nắm bắt tâm tư, kiến nghị chính đáng của nhân dân để chỉ đạo giải quyết kịp thời ngay tại cơ sở, từ đó tạo sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội.