Bảo đảm hài hòa lợi ích trong phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường
Chiều 26/10, báo cáo giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, liên quan hình thức sử dụng đất được đầu tư dự án nhà ở thương mại hiện vẫn còn các ý kiến, quan điểm khác nhau.
Có ý kiến đồng tình với phương án mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất, tức là kế thừa quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở hiện hành với 3 hình thức là đất ở, đất hỗn hợp trong đó có đất ở và đất khác và nhận chuyển nhượng đất ở để làm dự án nhà ở thương mại. Cũng có ý kiến đồng tình với phương án của Chính phủ, có mở rộng thêm.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, đây là nội dung rất quan trọng nhưng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai, do đó đề xuất cần có thảo luận thêm, bởi liên quan đến việc phát triển nhà ở thương mại trong Luật Nhà ở, nhưng nội dung này sẽ được điều chỉnh trong Luật Đất đai.
Các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường chiều 26/10. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị phải bám sát Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương về hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai trong việc xử lý vấn đề này.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng phải bảo đảm quy định chặt chẽ, tránh sơ hở, dẫn đến thất thu ngân sách do chênh lệch địa tô khi cho phép chuyển các loại đất khác không phải đất ở sang làm dự án nhà ở thương mại.
Cùng với đó, phải bảo đảm hài hòa lợi ích nhà nước, chủ đầu tư, các doanh nghiệp và người dân trong việc phát triển loại hình nhà ở theo cơ chế thị trường này, có nghiên cứu để kế thừa những quy định phù hợp của Luật Nhà ở hiện hành.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu để tiếp thu phương án hợp lý nhất, cũng như phối hợp Thường trực Ủy ban Kinh tế, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường để có đề xuất cụ thể và sẽ được quy định trong Luật Đất đai, còn Luật Nhà ở sẽ viện dẫn đến.
Cân nhắc thận trọng xây dựng nhà lưu trú ngoài khu công nghiệp
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Về phát triển nhà ở xã hội, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, việc quy định các nhóm đối tượng là kế thừa của pháp luật hiện hành, và quy định như vậy để bảo đảm về hình thức hỗ trợ cũng như điều kiện hỗ trợ được viện dẫn vào từng nhóm đối tượng một cách phù hợp. Nếu quy định chung quá thì rất khó quy định hình thức hỗ trợ và điều kiện hỗ trợ.
Liên quan đến điều kiện về thu nhập, đây cũng là vấn đề được trao đổi kỹ với cơ quan chủ trì soạn thảo trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý. Chính phủ trước đây khi trình điều kiện thu nhập là đối tượng không phải nộp thuế, tức chưa thuộc diện đối tượng nộp thuế thu nhập, nhưng sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu, cơ quan soạn thảo đề nghị cần phải có quy định linh hoạt hơn và nên giao cho Chính phủ quy định cụ thể để phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội.
Về nhà lưu trú công nhân ngoài khu công nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, đây là nội dung mới Chính phủ vừa đề xuất ngày 10/10 vừa qua và chưa có đánh giá tác động. Do đó, cần phải cân nhắc hết sức thận trọng để tránh lạm dụng chính sách để trục lợi.
Nhiều ý kiến đồng tình Tổng Liên đoàn Lao động làm nhà ở xã hội cho công nhân
Hiện nay, ngoài khu công nghiệp đã có nhà ở xã hội các doanh nghiệp, các hợp tác xã tập trung phát triển nhà ở xã hội ở ngoài khu công nghiệp để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người lao động, còn nhà lưu trú là một cơ chế đặc thù và chỉ nên cho phép xây dựng trong khu công nghiệp.
“Với phương án Chính phủ trình không lập dự án đầu tư, không phải phê duyệt chủ trương đầu tư, chủ đầu tư là những doanh nghiệp sản xuất có người lao động đó cũng không phải đáp ứng yêu cầu về năng lực, về kinh nghiệm, chúng tôi thấy sẽ hết sức lỏng lẻo và sẽ mâu thuẫn với các quy định có liên quan của Luật Đất đai, Luật Đầu tư... Đây là phương án chúng tôi đề nghị tiếp tục cân nhắc”, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho biết.
Về một số vấn đề khác, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết sẽ ghi nhận đầy đủ, có tiếp thu, giải trình thấu đáo tất cả các ý kiến của các đại biểu Quốc hội để tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu, giải trình trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua dự án luật này cuối kỳ họp.