Ngay sau lễ phát động, các đại biểu đã trồng 4.000 cây xanh, chủ yếu là cây lát hoa. Đây là loài cây phù hợp để phát triển thành rừng cây gỗ lớn, từng bước hoàn nguyên, phục hồi môi trường, “xanh hóa” các bãi thải mỏ theo đúng chủ trương, định hướng, mục tiêu về quy hoạch, phát triển, trồng rừng cây gỗ lớn trên địa bàn tỉnh.
Năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu trồng mới rừng đạt từ 12 nghìn ha trở lên, trong đó trồng 2.000 ha rừng lim, giổi, lát. Đây cũng là cơ sở để Quảng Ninh duy trì và nâng cao chất lượng tỷ lệ che phủ rừng trên toàn tỉnh đạt 55%, mức cao so với trung bình của cả nước.
Đồng thời Quảng Ninh cũng là địa phương điển hình trong toàn quốc có những cánh rừng trồng là rừng lim, giổi, lát, loại cây rừng được đánh giá có chất lượng và tác dụng tốt nhất.
Đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và cán bộ, công nhân Công ty cổ phần Than Đèo Nai tham gia trồng cây ngay sau lễ phát động. |
Việc tỉnh Quảng Ninh đầu tư cho rừng chính là đầu tư cho môi sinh, môi trường, cho các tình huống ứng phó biến đổi khí hậu. Đồng thời tạo sinh kế bền vững cho người dân phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến lâm sản phát triển cũng như tạo bệ đỡ cho các ngành kinh tế phát triển. Với những kết quả đã và đang có, rừng sẽ là dư địa phát triển, hòa cùng sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của các ngành kinh tế, hiện thực hóa mục tiêu phát triển mà tỉnh Quảng Ninh đã đề ra.
Hằng năm, việc tổ chức phát động Tết trồng cây là hoạt động ý nghĩa góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân về trồng cây, gây rừng, bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn thiên nhiên, nâng cao chất lượng môi trường, môi sinh nhằm phát triển kinh tế rừng bền vững, nhằm giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cũng trong sáng mùng 6 Tết, hoạt động trồng cây xanh hưởng ứng Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ đã diễn ra sôi động ở tất cả 13/13 địa phương toàn tỉnh Quảng Ninh.