Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh, tỉnh sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh phát triển, vượt qua thách thức, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Đồng chí chia sẻ, trong bối cảnh cực kỳ khó khăn khi dịch Covid-19 bùng phát, Quảng Ninh là một điểm sáng về sự chủ động trong phòng, chống dịch bệnh, giữ vững địa bàn “an toàn, ổn định, phát triển trong trạng thái bình thường mới” thực hiện tốt “mục tiêu kép” với đà tăng trưởng GRDP trên hai con số trong 6 năm liên tiếp (2016-2021); duy trì ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong khuôn khổ pháp luật, thẩm quyền được giao để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh sau đại dịch.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký phát biểu tại hội nghị. |
Năm 2022, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cộng đồng doanh nghiệp Quảng Ninh đã nhanh chóng tận dụng thời cơ, tích cực nắm bắt sự hỗ trợ, đồng hành của tỉnh, phát huy nội lực, tạo cơ hội vượt qua khó khăn, bứt phá vươn lên.
Trong 9 tháng năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt hơn 10%, cao hơn so cùng kỳ năm 2021, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 39.700 tỷ đồng, tăng 19% so cùng kỳ. Có được kết quả này là nhờ sự hỗ trợ, đồng hành của tỉnh và sự chủ động, linh hoạt của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức để phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đến hết tháng 9 năm 2022, tỉnh Quảng Ninh có gần 17.700 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc đăng ký hoạt động với vốn đăng ký hơn 396.000 tỷ đồng, trong đó có 213 doanh nghiệp và chi nhánh có vốn nhà nước và 119 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; toàn tỉnh có 1.909 đơn vị thành lập mới với số vốn đăng ký 16.825 tỷ đồng, có 899 doanh nghiệp hoạt động trở, tăng 17% so cùng kỳ năm 2021 và có 10.705 doanh nghiệp đang hoạt động có kê khai thuế với tổng số lao động hơn 243 nghìn người.
Trong 9 tháng năm 2022, doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh đã đóng góp ngân sách nhà nước hơn 25.190 tỷ đồng, đạt 118% so cùng kỳ năm 2021. Tỉnh Quảng Ninh cũng đã cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 13 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 186,2 triệu USD.
Hiện, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 153 dự án FDI đang thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 10,33 tỷ USD.
Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: Sự quan tâm tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn của tỉnh thời gian qua là động lực to lớn để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển ngày một mạnh mẽ. Với vai trò là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân với tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tiếp tục phối hợp, đề xuất, kiến nghị và đưa ra giải pháp giải quyết khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp để cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân của tỉnh ngày càng lớn mạnh cả về lượng và chất, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển bền vững của tỉnh.
Thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh quyết liệt cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để tạo đột phá thu hút vốn đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư (PPP) trong phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông.
Tỉnh kiên quyết loại bỏ các rào cản bất hợp lý, các chi phí không chính thức; củng cố, đổi mới cơ chế, phát huy hiệu quả mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công, cơ chế một cửa, một cửa liên thông các cấp phù hợp với xu hướng chuyển đổi số toàn diện, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số để tăng năng suất và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân có trọng tâm, trọng điểm.
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp, đồng thời duy trì kết nối, trao đổi thông tin để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đến với Quảng Ninh.