Doanh nhân Việt Nam cần thể hiện vai trò xung kích trên mặt trận phát triển kinh tế-xã hội

NDO - Đội ngũ doanh nhân Việt Nam cần thể hiện mạnh mẽ vai trò xung kích, chiến sĩ đi đầu trên mặt trận phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường kết nối, nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 và Tôn vinh “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” 2022 sáng 12/10.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ kỷ niệm. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ kỷ niệm. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Cùng dự có đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Lễ tôn vinh và trao tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022 cho 60 doanh nhân, trong đó có 10 doanh nhân được vinh danh TOP10 Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu nhất. Đây là kết quả được cộng đồng doanh nhân cả nước mong đợi từ Chương trình bình xét danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát động từ tháng 7/2022.

Doanh nhân Việt Nam cần thể hiện vai trò xung kích trên mặt trận phát triển kinh tế-xã hội ảnh 1
(Ảnh: TRẦN HẢI)

Trong 2 năm 2020-2021, các doanh nghiệp và cả đất nước ta phải gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19, tổn thất về con người và kinh tế là vô cùng lớn. Trong giai đoạn khó khăn đó, nhiều doanh nhân, doanh nghiệp đã nêu tấm gương sáng về tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, trách nhiệm xã hội, khi vừa lo duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, đời sống cho người lao động, vừa lăn xả hỗ trợ công tác phòng, chống đại dịch của cả nước. Căn cứ đề nghị của Hội đồng bình xét, Ban Chỉ đạo quốc gia đã nhất trí tuyên dương 6 doanh nhân tiêu biểu đã có thành tích, đóng góp xuất sắc trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Trong Lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam có nội dung vinh danh các cá nhân này, trong đó có doanh nhân đã cùng doanh nghiệp của mình đã ủng hộ trị giá tới trên 1.200 tỷ đồng cho cuộc chiến chống đại dịch.

Doanh nhân Việt Nam cần thể hiện vai trò xung kích trên mặt trận phát triển kinh tế-xã hội ảnh 2
(Ảnh: TRẦN HẢI)

Danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” là danh hiệu cao quý quốc gia được trao tặng cho các doanh nhân tiêu biểu Việt Nam, là hoạt động tôn vinh doanh nhân do VCCI tổ chức theo nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao trong Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Chương trình đã qua 8 kỳ tổ chức, nhưng năm nay là năm đầu tiên có sự đổi mới toàn diện, cả về nội dung, phương thức và tiêu chí bình xét, hướng đến mục tiêu thông qua vinh danh các tấm gương doanh nhân tiêu biểu để xây dựng cộng đồng doanh nhân Việt Nam vừa giỏi kinh doanh, vừa có đạo đức, văn hóa kinh doanh mẫu mực, có tinh thần dân tộc, phát triển bền vững. Đây là năm đầu tiên các tiêu chí về đạo đức doanh nhân, tuân thủ pháp luật, trách nhiệm xã hội trở thành yêu cầu hàng đầu trong xem xét, bình chọn.

Doanh nhân Việt Nam cần thể hiện vai trò xung kích trên mặt trận phát triển kinh tế-xã hội ảnh 3

(Ảnh: TRẦN HẢI)

Tại buổi lễ, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính trao giải TOP 10 Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu.

Doanh nhân Việt Nam cần thể hiện vai trò xung kích trên mặt trận phát triển kinh tế-xã hội ảnh 4

(Ảnh: TRẦN HẢI)

Top 10 Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022 gồm: ông Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO); Thiếu tướng Nguyễn Quốc Dũng, Tư lệnh Binh đoàn 11, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thành An, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty 789; ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn GELEXIMCO; bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Công ty Cổ phần Thực phẩm Sữa TH; bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG - BRG GROUP; ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Thái Holdings; ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời; ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Điều hành Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghệ CMC; ông Lý Ngọc Minh, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Minh Long l.

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi đến toàn thể các quý vị đại biểu, đội ngũ doanh nhân Việt Nam lời chào trân trọng, lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất; nêu rõ, nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày Bác Hồ gửi thư cho giới Công thương và 18 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam, chúng ta rất phấn khởi cùng tham dự Lễ kỷ niệm và tôn vinh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu với khí thế và niềm tin của cả nước và đội ngũ doanh nhân về những kết quả phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong bối cảnh khu vực và thế giới còn nhiều khó khăn thời gian qua, nhất là kết quả rất tích cực của 9 tháng đầu năm 2022.

Có được thành quả này là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng các quyết sách quan trọng của Nhà nước; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự tham gia vào cuộc tích cực, hiệu quả của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể nhân dân; sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng; sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, đặc biệt là sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Thủ tướng nêu rõ, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm và đánh giá cao vai trò của đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đây là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam, đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước qua các thời kỳ lịch sử của Cách mạng Việt Nam. Hiến pháp 2013 đã khẳng định: “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định: “Phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế”.

Doanh nhân Việt Nam cần thể hiện vai trò xung kích trên mặt trận phát triển kinh tế-xã hội ảnh 5
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Chúng ta rất vui mừng, hiện nay Việt Nam đã có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14,4 nghìn HTX và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Đội ngũ doanh nhân cả nước đến nay đã lên đến hàng triệu người. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về số lượng, doanh nghiệp Việt Nam đã không ngừng phát triển và nâng cao về nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận, hiệu quả sử dụng lao động; thể hiện vai trò là lực lượng chủ lực quản lý, tổ chức các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Đồng thời, đội ngũ doanh nhân cũng luôn thể hiện trách nhiệm xã hội; đặc biệt, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đội ngũ doanh nghiệp nêu cao tinh thần chia sẻ, đồng hành cùng đất nước, vượt qua khó khăn, tự lực, tự cường, hỗ trợ lẫn nhau, nỗ lực thích ứng linh hoạt để duy trì sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động; ủng hộ Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19; ủng hộ nhiều vật tư, trang thiết bị y tế cho các địa phương, thể hiện tinh thần trách nhiệm, nghĩa cử cao đẹp của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam với đất nước, với nhân dân.

Nhân dịp này, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng chia sẻ những khó khăn, vất vả mà cộng đồng doanh nghiệp gặp phải trong thời gian qua; cảm ơn sự đóng góp của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng nêu rõ, thời gian tới, tình hình thế giới dự báo phức tạp, khó lường hơn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng; chuỗi cung ứng, lao động, sản xuất đứt gãy cục bộ; giá cả nguyên vật liệu đầu vào, lạm phát tăng cao ở nhiều nước; thị trường quốc tế thu hẹp. Trong nước, chúng ta có cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, đặc biệt là khó khăn do tác động của địa chính trị thế giới, đặc biệt là khó khăn của thị trường trái phiếu, chứng khoán ảnh hưởng tâm lý của các nhà đầu tư. Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp, doanh nhân cùng chia sẻ; chúng ta cần xử lý người làm sai, bảo vệ người làm đúng, bảo vệ sự công bằng, minh bạch. Trong bối cảnh như vậy, để phục hồi nhanh và phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là bài toán khó mà chúng ta cần cùng nhau giải quyết. Thủ tướng tin với sự cần cù, thông minh, sáng tạo, kinh nghiệm, bản lĩnh thì chúng ta sẽ chiến thắng. Chính phủ thấu hiểu và chia sẻ khó khăn của các doanh nghiệp, đồng thời có giải pháp để đội ngũ doanh nhân không ngừng phát triển cả về lượng và chất.

Để tiếp sức cùng với đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp không ngừng phát triển cả về lượng và chất, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trên với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; cân đối, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Chính phủ sẽ tiếp tục: đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo đi đôi với xây dựng bộ máy hoạt động tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp và sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế theo hướng: bảo đảm ổn định trong điều kiện có nhiều bất định; thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, chắc chắn, hiệu quả; thực hiện chính sách tài khóa hợp lý, thận trọng; phối hợp chặt chẽ, hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; chủ động thích ứng linh hoạt, hiệu quả trước những diễn biến phức tạp, khó lường; Kiên định, nhất quán, bản lĩnh, tự tin trong điều hành trước sự biến động, tác động nhiều chiều từ thế giới và trong nước; có biện pháp kiểm soát rủi ro, ứng phó kịp thời với nguy cơ suy thoái, khủng hoảng từ bên ngoài; giải quyết hài hòa giữa hợp tác và cạnh tranh kinh tế quốc tế trong điều kiện hội nhập sâu rộng. Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp, tăng tín dụng hợp lý và hiệu quả, hướng tín dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa cùng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Phát triển mạnh thị trường trong nước, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và các chuỗi cung ứng.

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp bối cảnh, tình hình mới; loại bỏ những quy định không còn phù hợp. Tháo gỡ những điểm nghẽn có thể ảnh hưởng hoạt động của doanh nghiệp. Cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tăng cường đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nghiệp. Luôn đồng hành, lắng nghe, chia sẻ và quyết liệt giải quyết, xử lý những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp. Đẩy mạnh ngăn ngừa, đẩy lùi những hiện tượng móc nối trục lợi, gây khó khăn, phiền hà đối với doanh nghiệp và người dân trong quá trình kinh doanh.

Thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tăng cường kết nối cung-cầu lao động, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và công dân số. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tiếp cận bình đẳng với các nguồn lực phát triển. Tạo điều kiện để khu vực kinh tế ngoài nhà nước tham gia thực hiện các dự án, công trình, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội theo hình thức hợp tác công-tư. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng về giao thông, công nghệ thông tin, hạ tầng các khu công nghiệp, hạ tầng phục vụ người lao động, nhà ở cho công nhân, hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng. Tăng cường năng lực hội nhập quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý trong giải quyết tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập quốc tế. Chính phủ cũng chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế.

Khơi dậy nội lực, khuyến khích mạnh mẽ sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân trong nước, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin, hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế, bảo đảm chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc. Tăng cường liên kết giữa khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các tập đoàn đa quốc gia với doanh nghiệp trong nước trong phát triển chuỗi cung ứng của các ngành công nghiệp. Hình thành chuỗi cung ứng giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo điều kiện cho mọi quốc gia phát triển nền kinh tế tri thức, phát triển không dựa nguồn vốn và lao động phổ thông và vào nguồn tài nguyên thiên nhiên, ngược lại còn giúp sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả và tiết kiệm, nâng cao chất lượng lao động. Vì vậy, Chính phủ mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam: trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp và đạo đức người kinh doanh; hoạt động sản xuất, kinh doanh tuân thủ đúng pháp luật, quy định của Nhà nước; thể hiện mạnh mẽ vai trò xung kích, chiến sĩ đi đầu trên mặt trận phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường kết nối, nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, chuyển đổi số quốc gia, chống biến đổi khí hậu; tận dụng sự phục hồi mạnh mẽ thị trường trong nước, đồng thời mở rộng tìm kiếm thị trường quốc tế; chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển theo kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp. Có sự chuẩn bị tốt các nguồn lực để đón nhận, tạo đột phá cho phát triển doanh nghiệp, góp phần thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc; không ngừng đổi mới, sáng tạo để xây dựng thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân, nâng cao năng lực cạnh tranh trong sản phẩm, dịch vụ của mình, góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước, xây dựng doanh nghiệp tầm cỡ khu vực và quốc tế, có nhiều doanh nhân tiêu biểu hơn nữa, nhiều tỷ phú đô la hơn nữa; bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho người lao động; đồng thời đầu tư cho ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục thể hiện trách nhiệm xã hội, tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình vì cộng đồng, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.