Quảng Ngãi tập trung chuyển đổi số trong nông nghiệp

Những năm gần đây, lĩnh vực nông nghiệp số của tỉnh Quảng Ngãi đã và đang phát triển mạnh mẽ, góp phần mang lại cho ngành nông nghiệp một phương thức quản lý, sản xuất, kinh doanh tiến gần hiện đại, chất lượng cao, khai thác hiệu quả tiềm năng vốn có của địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ngãi bán trên sàn thương mại điện tử.
Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ngãi bán trên sàn thương mại điện tử.

Mặc dù tỷ trọng ngành nông nghiệp của tỉnh không lớn, chiếm khoảng 16%, song nông nghiệp giữ vai trò chiến lược trong dài hạn, là bệ đỡ quan trọng cho an sinh và an dân.

"Chìa khóa" phát triển bền vững

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu, dịch bệnh thì chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp là "chìa khóa" cho phát triển bền vững ngành nông nghiệp. Vì vậy, tỉnh đặt mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; quản trị và quản lý nông nghiệp dựa trên công nghệ số, xây dựng hệ thống dữ liệu ngành về đất đai, cây trồng, vật nuôi; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý giám sát nguồn gốc nông sản, chuỗi cung ứng sản phẩm; phát triển thương mại điện tử, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của tỉnh, các sản phẩm OCOP; thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác quản lý để có các chính sách, điều hành kịp thời phát triển nông nghiệp nhằm dự báo, cảnh báo thị trường, quản lý quy hoạch sản xuất nông nghiệp.

Thông qua việc chú trọng chuyển đổi số trong nông nghiệp, đến nay, nhiều công nghệ tiên tiến đã được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, hình thành những mô hình ứng dụng công nghệ tự động hóa ở mức thông minh, ứng dụng được một số cơ sở dữ liệu cho lĩnh vực lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản.

Toàn tỉnh có gần 3.000 ha lúa, rau màu các loại được doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân vận hành tưới tự động; hình thành nhiều vùng nguyên liệu có quy mô lớn, với năng suất, sản lượng nông sản gia tăng; xây dựng tám mã số vùng trồng nội địa, một mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu; nhiều nông sản được cấp giấy chứng nhận VietGAP, Global GAP và OCOP, trong đó có 72 sản phẩm OCOP được tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử.

Đồng thời, tỉnh xây dựng một số phần mềm chuyên dùng theo dõi diễn biến rừng như phần mềm FMRS, sử dụng công nghệ giải đoán hình ảnh (GIS) và viễn thám trong công tác cảnh báo cháy rừng, phần mềm chuyên dùng VRAIN để thông tin về lượng mưa, mực nước...

Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhờ ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo đối với bò và lợn đã giúp cải tạo nhanh chất lượng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh. Đơn cử, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hà Tân ở huyện Tư Nghĩa và trại chăn nuôi heo Huỳnh Cường ở huyện Bình Sơn sử dụng công nghệ giám sát trại chăn nuôi bằng hệ thống camera từ xa; trang trại chăn nuôi heo thịt theo hướng công nghiệp sạch Phú Hiệp ở huyện Minh Long sử dụng công nghệ dây chuyền thức ăn công nghiệp tự động, nhân công chỉ cần nhấn nút, thức ăn tự động đổ vào các máng ăn.

Phát huy thế mạnh về nuôi trồng, khai thác thủy sản, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân từng bước ứng dụng chuyển đổi số như quy trình nuôi tôm ít thay nước sử dụng chế phẩm sinh học; nuôi ghép các đối tượng tôm-cua-cá; nuôi ghép ốc hương-hải sâm; nuôi ghép ốc hương-cá măng-cá dìa.

Trong đó, một số mô hình điển hình đã triển khai như: kỹ thuật sản xuất giống cá rô-phi toàn đực, công nghệ sản xuất ốc hương giống, công nghệ sản xuất lươn nhân tạo; ứng dụng vật liệu mới để đóng tàu vỏ thép và tàu vỏ composite; ứng dụng máy dò ngang trong khai thác thủy sản, ứng dụng hệ thống cơ giới hóa trong khai thác; ứng dụng phương pháp bảo quản sản phẩm khai thác bằng công nghệ sản xuất đá vảy, nước đá sệt từ nước biển, công nghệ bọc tách nhiệt hầm bảo quản bằng PU farm...

Đặc biệt, tháng 10/2021, tỉnh Quảng Ngãi tiến hành triển khai việc tiếp nhận, giải quyết một số thủ tục hành chính liên quan đến tàu cá. Sáng kiến này giúp chủ tàu cá được nộp hồ sơ từ xa, cắt giảm thời gian, chi phí đi lại, loại bỏ chi phí không chính thức từ việc nhờ đối tượng làm dịch vụ nộp hồ sơ, nhận kết quả thay.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương cho rằng, chuyển đổi số đóng vai trò cực kỳ quan trọng nhằm giúp nâng cao năng suất, lợi nhuận, tối ưu hóa sản xuất và đem lại nhiều cơ hội phát triển, kết nối nông dân với các tổ chức chế biến, thương mại và người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, góp phần thay đổi diện mạo nền nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững. Để kịp thời nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, đưa công tác chuyển đổi số trong nông nghiệp của tỉnh phát triển mạnh mẽ trong những năm tới, tỉnh xác định người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là yếu tố tiên quyết trong chuyển đổi số. Lĩnh vực nào có tác động xã hội, liên quan hằng ngày tới người dân, có khả năng thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí cần ưu tiên chuyển đổi số trước.

Đồng thời, tỉnh sẽ đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống dữ liệu ngành nông nghiệp; xây dựng và chuẩn hóa cơ sở dữ liệu của ngành, để kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở; xây dựng phần mềm quản lý, giám sát, đánh giá, phân loại sản phẩm nông nghiệp, nhất là sản phẩm đặc trưng của địa phương; khuyến khích người dân, doanh nghiệp số hóa các quy trình sản xuất, tiến tới tích hợp, minh bạch sản phẩm bằng hệ thống quét mã QR.

"Chuyển đổi số được xem là liều thuốc hiệu quả cho ngành nông nghiệp. Đây là hành trình xuyên suốt, liền mạch đòi hỏi sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, doanh nghiệp liên quan nhằm thay đổi diện mạo của nền nông nghiệp", Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương chia sẻ và cho biết thêm, vấn đề trước mắt là cần phát triển nền nông nghiệp minh bạch về số liệu, nguồn gốc, chất lượng, giá thành sản phẩm. Từ đó, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người sản xuất, lao động hoạt động trong ngành nông nghiệp cũng như người tiêu dùng và từng bước nâng cao giá trị sản xuất của ngành.