Tại hội thảo, các đại biểu nghe các nhà quản lý, nhà khoa học và các chuyên gia chia sẻ về: Kinh nghiệm và mô hình hiệu quả của các địa phương, tổ chức trong việc phát triển du lịch dựa vào thiên nhiên và đa dạng sinh học; những đề xuất cho du lịch Quảng Nam; đồng thời nêu lên những “nút thắt” cần tháo gỡ trong phát triển du lịch dựa vào đa dạng sinh học; việc xây dựng các chính sách, quy hoạch để quản lý và phát triển du lịch sinh thái bền vững.
Cùng với đó, các nhà quản lý, nhà khoa học và các chuyên gia đã đề xuất các giải pháp lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học, chuyển đổi sinh kế và du lịch bền vững đối với phát triển kinh tế-xã hội; huy động sự tham gia cộng đồng vào các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, phát triển các mô hình du lịch sinh thái, du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên.
Phát biểu tại hội thảo, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam Văn Bá Sơn cho biết, Hội thảo phát triển du lịch gắn với bảo tồn đa dạng sinh học-Quảng Nam 2024 là cơ hội cho các đại biểu trao đổi, thảo luận, chia sẻ thông tin để giúp cho các cấp có thẩm quyền đưa ra định hướng, chủ trương xây dựng những sản phẩm du lịch mới, phù hợp với đặc điểm tự nhiên của địa phương.
Đối với du lịch, đa dạng sinh học có ý nghĩa rất quan trọng vì môi trường lành mạnh là yếu tố then chốt đối với sức cạnh tranh của ngành du lịch. Bờ biển, núi, sông và rừng là những điểm thu hút chính đối với khách du lịch trên toàn thế giới. Đa dạng sinh học nằm ở trung tâm của các sản phẩm du lịch dựa trên thiên nhiên-chẳng hạn như: ngắm động vật hoang dã, lặn biển hoặc du lịch trong các khu bảo tồn.
Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam Văn Bá Sơn cho rằng, du lịch kết nối con người với thiên nhiên, nó có thể thúc đẩy trách nhiệm bảo tồn và bảo vệ môi trường nếu được thực hiện một cách bền vững. Đa dạng sinh học là nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển du lịch sinh thái, bền vững.
Ngược lại, các hoạt động du lịch bền vững góp phần gìn giữ, bảo tồn các giá trị dịch vụ hệ sinh thái, nâng cao ý thức gìn giữ, giúp bảo vệ môi trường sống của con người, bảo đảm sự hài hòa về môi trường sống cho các loài động, thực vật. Đồng thời, du lịch bền vững giúp khai thác nguồn tài nguyên một cách khoa học, qua đó cung cấp những lợi ích kinh tế-xã hội, dịch vụ cho cộng đồng địa phương, cung cấp công ăn việc làm, cải thiện sinh kế và góp phần xóa đói giảm nghèo.
Theo Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam Văn Bá Sơn, hoạt động du lịch, một mặt, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng; mặt khác, cũng là yếu tố làm biến dạng, làm thay đổi bản sắc văn hóa và lối sống truyền thống của cộng đồng, đồng thời có không ít tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái.
Sự phát triển nhanh chóng của du lịch ở một số khu vực, tình trạng quá tải điểm đến (như: ở Cẩm Thanh, Cù Lao Chàm…) đã tác động tiêu cực đến các hệ sinh thái tự nhiên, làm vượt quá sức chịu tải của môi trường; gây ảnh hưởng đến các loài động, thực vật, làm mất môi trường sống, kiếm ăn cũng như làm suy giảm các giá trị đa dạng sinh học.
Trong khi đó, các sản phẩm được định hướng đầu tư, khai thác như: du lịch vùng sâm Ngọc Linh, dược liệu, du lịch dưới tán rừng, du lịch hồ thủy điện... trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vẫn đang dừng ở mức khảo sát tiềm năng. Công tác kêu gọi xúc tiến đầu tư, khai thác loại hình du lịch này vẫn chưa mang lại kết quả như mong đợi do còn nhiều bất cập về cơ chế, chính sách đầu tư, khai thác…