Tỉnh đề ra mục tiêu từ nay đến năm 2020, triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp bảo vệ và phát triển bền vững các khu dự trữ sinh quyển, khu bảo tồn thiên nhiên, các hệ sinh thái rừng tự nhiên; xây dựng khu bảo tồn loài và sinh cảnh cấp tỉnh núi Chứa Chan; nâng cấp hệ thống các cơ sở bảo tồn chuyển chỗ đa dạng sinh học... Tỉnh triển khai phân kỳ đầu tư gồm ba nhóm với 20 chương trình, dự án ưu tiên. Tổng vốn đầu tư thực hiện quy hoạch nêu trên là 478 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách nhà nước thực hiện 17 chương trình, dự án là 140 tỷ đồng, hai dự án từ nguồn vốn xã hội hóa là 305 tỷ đồng và một dự án từ vốn tài trợ là hơn 33 tỷ đồng.
★ Cụ thể hóa chủ trương của tỉnh Tiền Giang về đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp, mở rộng và nâng cao chất lượng vùng chuyên canh cây trồng đặc sản có lợi thế cạnh tranh, một số địa phương trong tỉnh triển khai nhiều giải pháp giúp nông dân phát triển vùng chuyên canh thanh long. Việc chuyển giao kỹ thuật canh tác theo hướng GAP, Viet GAP, Global GAP, ứng dụng đồng bộ kỹ thuật thâm canh tiên tiến trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh bảo vệ vùng chuyên canh được chú trọng; đồng thời hình thành các tổ hợp tác và hợp tác xã theo mô hình liên kết chuỗi giá trị hướng đến xuất khẩu… Tỉnh đã xây dựng những mô hình quản lý dịch bệnh tổng hợp, xử lý cho thanh long ra trái theo ý muốn; tưới phun và tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước, thích ứng biến đổi khí hậu và hạn mặn ở những địa bàn khó khăn. Riêng tại huyện Chợ Gạo, dự án đã mở rộng diện tích thanh long lên hơn 5.500 ha, trong đó thanh long ruột đỏ chiếm 43% tổng diện tích...