Quảng Nam tìm giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch xanh

NDO - Ngày 15/8, tại thành phố Hội An (Quảng Nam) diễn ra hội thảo chuyên gia mô hình điểm du lịch xanh Quảng Nam và ký kết biên bản ghi nhớ Liên kết, hợp tác phát triển du lịch vùng phía bắc của tỉnh gồm: Hội An-Điện Bàn-Duy Xuyên (Quảng Nam).
0:00 / 0:00
0:00
Lễ Ký kết biên bản ghi nhớ Liên kết, hợp tác phát triển du lịch Hội An-Điện Bàn-Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam).
Lễ Ký kết biên bản ghi nhớ Liên kết, hợp tác phát triển du lịch Hội An-Điện Bàn-Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam).

Dự hội thảo, có Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình cùng hơn 100 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức du lịch cộng đồng, các chuyên gia du lịch bền vững trong nước và quốc tế.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thanh Hồng cho biết, trong gần 3 năm qua, nhờ sự hỗ trợ tích cực từ Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO), Dự án du lịch bền vững Thụy Sỹ tại Việt Nam đã giúp Quảng Nam là tỉnh đầu tiên trên cả nước ban hành và triển khai áp dụng bộ tiêu chí du lịch xanh áp dụng cho 6 mô hình gồm: Khu nghỉ dưỡng, khách sạn, homestay, doanh nghiệp lữ hành, điểm tham quan, điểm du lịch cộng đồng.

Qua thời gian triển khai đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có 25 doanh nghiệp du lịch thuộc lĩnh vực lưu trú, điểm tham quan, doanh nghiệp lữ hành đã được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp quyết định công nhận đạt chứng nhận du lịch xanh với cấp độ 2/3 và 3/3 lá sâm Ngọc Linh.

Quảng Nam tìm giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch xanh ảnh 1

Quang cảnh hội thảo chuyên gia mô hình điểm du lịch xanh Quảng Nam.

Tại hội thảo này, các đại biểu trình bày các tham luận về: “Đổi mới phát triển sản phẩm và tiếp thị cho du lịch xanh Quảng Nam; Kinh nghiệm quốc tế xây dựng chứng nhận du lịch bền vững của Quảng Nam; Chính sách du lịch xanh cho Quảng Nam nhìn từ Bộ chỉ số phát triển du lịch Việt Nam (VTDI) 2024...

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Phan Thái Bình nhấn mạnh, hội thảo là dịp để các bên liên quan nhìn nhận lại những mặt được và chưa được trong tiến trình phát triển du lịch xanh của Quảng Nam hiện đang ở đâu trong bản đồ phát triển du lịch chung của Việt Nam và thế giới.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Phan Thái Bình đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến, khuyến nghị từ chuyên gia, doanh nghiệp... tham gia tại hội thảo này để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai thúc đẩy du lịch xanh Quảng Nam phát triển hiệu quả, sâu rộng hơn nữa trong thời gian tới.

Quảng Nam tìm giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch xanh ảnh 2
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Phan Thái Bình phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo này, diễn ra Lễ Ký kết biên bản ghi nhớ Liên kết, hợp tác phát triển du lịch Hội An-Điện Bàn-Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) và thỏa thuận phối hợp giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Công thương Quảng Nam.

Theo Biên bản ghi nhớ Liên kết, hợp tác phát triển du lịch Hội An-Điện Bàn-Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) đã ký kết, các bên hợp tác ở 4 lĩnh vực chủ yếu: Hợp tác xây dựng cơ chế chính sách quản lý và phát triển du lịch địa phương; hợp tác phát triển sản phẩm du lịch; hợp tác quảng bá, xúc tiến du lịch, đào tạo nhân lực du lịch; hợp tác trao đổi thông tin về tình hình phát triển du lịch.

Thời gian hợp tác liên kết giữa 3 địa phương từ nay đến năm 2030 (giai đoạn 1) và giai đoạn 2 từ năm 2030 đến năm 2035.

Và theo biên bản thỏa thuận phối hợp, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp Sở Công thương khai thác, phát huy các tiềm năng, thế mạnh ngành thương mại, dịch vụ, du lịch Quảng Nam; xây dựng và khẳng định thương hiệu, hấp dẫn khách du lịch để cùng phát triển, tăng sức cạnh tranh điểm đến trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Hai bên sẽ phối hợp trong 9 nội dung, nổi bật như: phối hợp đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch gắn với phát triển các điểm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm quà tặng địa phương, sản phẩm công nghiệp nông thôn; phối hợp hình thành chuỗi các trung tâm sản phẩm quà lưu niệm du lịch và đặc sản của địa phương.

Đồng thời phối hợp phát triển các cửa hàng, quầy hàng tại các điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng, tạo các khu mua sắm và chợ đêm gần các khu, điểm du lịch để phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách; phối hợp phát triển các làng nghề truyền thống gắn với du lịch; quảng bá các chương trình du lịch làng nghề; tham mưu các chính sách ưu đãi, đầu tư phát triển hạ tầng cho các làng nghề tham gia phát triển du lịch...