Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nam Trà My Trần Văn Mẫn cho biết, trong những năm qua, việc mua bán sâm Ngọc Linh, dược liệu của huyện được đẩy mạnh thông qua các phiên chợ sâm Ngọc Linh và dược liệu hằng tháng cùng các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, YouTube…
Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng rao bán, quảng cáo các loại hàng nhái, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên không gian mạng đã ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của phần lớn khách hàng, gây ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín các sản phẩm đặc hữu địa phương.
Cung ứng cây giống sâm Ngọc Linh cho người dân huyện Nam Trà My
Sàn thương mại điện tử sâm Ngọc Linh, dược liệu và hàng nông sản được đưa vào hoạt động nhằm mục đích tạo cơ hội cho các hộ sản xuất, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện hoàn thiện sản phẩm, nâng cao năng lực và giá trị chất lượng hàng hóa; đồng thời tham gia vào chuỗi phát triển của thương mại điện tử, giới thiệu và giao sản phẩm của mình đến tận tay khách hàng tại một Website uy tín, được quản lý chặt chẽ bởi các cơ quan chuyên môn của Nhà nước, được cam kết về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm.
Từ khi chạy thử nghiệm đến nay đã có hơn 3.000 lượt truy cập để tra cứu thông tin sản phẩm và các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử.
Việc đưa vào vận hành sàn thương mại điện tử sâm, dược liệu và hàng nông sản Nam Trà My thể hiện rõ quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị trong việc xây dựng một xã hội số, một nền kinh tế số.
Đây không chỉ là địa chỉ số quảng bá tài nguyên vô cùng giá trị của huyện mà còn là nơi phục vụ công tác quản lý của Nhà nước, tạo kênh buôn bán chính thống cho người dân và đặc biệt là địa chỉ uy tín cho khách hàng.
“Chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng vào sự phát triển của mô hình kinh tế số này. Đây sẽ là hệ thống nền tảng cốt lõi, quan trọng hình thành nên một kênh bán hàng uy tín, thúc đẩy kinh tế-xã hội huyện phát triển nhanh và bền vững”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nam Trà My Trần Văn Mẫn kỳ vọng.