Quảng Nam: 4 thủy điện lớn bắt đầu hạ dần mực nước hồ chứa để đón lũ

NDO - Ngày 11/11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam đã phát đi công văn yêu cầu chủ đầu tư các hồ thủy điện: Đak Mi 4, A Vương, Sông Bung 2, Sông Bung 4, Sông Tranh 2 vận hành hạ dần mực nước ở các hồ chứa thủy điện để đón lũ.
0:00 / 0:00
0:00
Từ 14 giờ 30 phút chiều nay (11/11), Công ty cổ phần Thủy điện Đak Mi bắt đầu vận hành hạ dần mực nước hồ chứa thủy điện Đak Mi 4 để đón lũ.
Từ 14 giờ 30 phút chiều nay (11/11), Công ty cổ phần Thủy điện Đak Mi bắt đầu vận hành hạ dần mực nước hồ chứa thủy điện Đak Mi 4 để đón lũ.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam yêu cầu Công ty cổ phần Thủy điện Đak Mi, Công ty cổ phần Thủy điện A Vương, Công ty Thủy điện Sông Bung và Công ty Thủy điện Sông Tranh tiến hành vận hành theo hướng tăng lưu lượng nhằm hạ dần mực nước hồ chứa thủy điện.

Cụ thể, Công ty cổ phần Thủy điện Đak Mi tổ chức vận hành tăng lưu lượng nhằm hạ dần mực nước hồ chứa thủy điện Đak Mi 4 về cao trình mực nước đón lũ thấp nhất (+251,5m) trước 2 giờ 30 phút ngày 14/11. Thời gian bắt đầu vận hành từ 14 giờ 30 phút (hôm nay 11/11), với lưu lượng bằng lưu lượng về hồ cộng thêm không lớn hơn 200m3/s

Công ty cổ phần Thủy điện A Vương tổ chức vận hành tăng lưu lượng nhằm hạ dần mực nước hồ chứa thủy điện A Vương về cao trình 372,5m trước 2 giờ 30 phút ngày 14/11. Thời gian bắt đầu vận hành từ 14 giờ 30 phút ngày 11/11, với lưu lượng bằng lưu lượng về hồ cộng thêm không lớn hơn 150m3/s.

Công ty Thủy điện Sông Bung tổ chức vận hành tăng lưu lượng nhằm hạ dần mực nước hồ chứa thủy điện Sông Bung 2 về cao trình 597m trước 2 giờ 30 phút ngày 14/11. Thời gian bắt đầu vận hành từ 14 giờ 30 phút ngày 11/11, với lưu lượng bằng lưu lượng về hồ cộng thêm không lớn hơn 50m3/s

Đồng thời chủ động tính toán, tổ chức vận hành bảo đảm mực nước hồ thủy điện Sông Bung 4 không lớn hơn cao trình mực nước 216,5m vào lúc 2 giờ 30 phút ngày 14/11.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam yêu cầu Công ty Thủy điện Sông Tranh tổ chức vận hành nhằm hạ dần mực nước hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 về cao trình 167m trước 2 giờ 30 phút, ngày 14/11. Thời gian bắt đầu vận hành từ 14 giờ 30 phút ngày 11/11, với lưu lượng bằng lưu lượng về hồ cộng thêm không lớn hơn 250m3/s

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam yêu cầu chủ các thủy điện cần chuyển chế độ vận hành theo quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 9 Quy trình 1865.

Đồng thời, lưu ý việc tổ chức vận hành phải bảo đảm nguyên tắc vận hành, tránh đột biến theo quy định; tổ chức thực hiện việc thông tin, thông báo đến chính quyền, nhân dân vùng hạ du về công tác vận hành, điều tiết hồ.

Cũng trong ngày 11/11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam có công văn đề nghị các địa phương liên quan bảo đảm an toàn cho vùng hạ du sông Vu Gia-Thu Bồn.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chủ động ứng phó với gió mùa Đông Bắc, mưa lớn và thời tiết nguy hiểm trên biển.

Tổ chức thông báo đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, phương tiện vận tải thủy; các bến đò, ngầm tràn; các hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác cát sỏi biết thông tin điều tiết các hồ chứa thủy điện để chủ động các biện pháp phòng tránh bảo đảm an toàn về người, tài sản.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố rà soát phương án phòng chống lũ bảo đảm an toàn cho vùng hạ du, các khu vực sạt lở bờ sông để sẵn sàng ứng phó.

Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng tránh lũ cho người dân và các cơ quan, đơn vị liên quan; nghiêm cấm việc vớt củi, đánh bắt cá trên sông, trên các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết khi điều tiết các hồ chứa thủy điện.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam, từ ngày 13-17/11, các địa phương trong tỉnh có khả năng xuất hiện một đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa ở các địa phương vùng núi phía bắc của tỉnh phổ biến từ 150-300mm, có nơi trên 400mm; các địa phương vùng đồng bằng và vùng núi phía nam phổ biến từ 250-450mm, có nơi trên 600mm.

Mưa lớn gây ra nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét tại các sông, suối vùng núi, sạt lở đất đá ở sườn dốc, sông, suối nhỏ; gây ngập úng tại các vùng thấp trũng, nơi tập trung đông dân cư. Mưa lớn ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân; có thể gây thiệt hại cho các công trình đang thi công, các hoạt động kinh tế-xã hội khác trên địa bàn tỉnh.