Theo đó, hiện nay đang đến mùa chim di cư, dự báo tình hình săn, bẫy, bắt, buôn bán, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư tại các địa phương trong tỉnh gia tăng và diễn biến phức tạp. Vì vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đề nghị các ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.
Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình được giao chủ trì, phối hợp các cơ quan, địa phương có liên quan tăng cường tuần tra, kiểm soát các khu vực trọng điểm về săn, bắt, buôn bán, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, bẫy, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ trái pháp luật các loài chim hoang dã.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác quản lý, bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; tuyên truyền, vận động người dân không thực hiện các hành vi săn bắt, mua bán, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư; hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ký cam kết không mua, bán, giết mổ các loài chim hoang dã. Các cơ quan bảo vệ pháp luật có biện pháp phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi săn bắt, vận chuyển, giết mổ, kinh doanh, chế biến các loài chim hoang dã và chim di cư.
Được biết, tại Quảng Bình, sau mưa lũ, trời se se lạnh. Cánh đồng có nhiều cá, tôm và các loại phù du là nguồn thức ăn phong phú cho các loại chim di cư. Song đây cũng là thời điểm mà nhiều đối tượng giăng bẫy, lưới chụp như ma trận, tận diệt chim hoang dã. Hoạt động kinh doanh, giết mổ các loại chim di cư cũng diễn ra nhiều nơi, trong đó không ít thực khách là cán bộ, đảng viên.
Gần đây, lực lượng công an các địa phương ở Quảng Bình đã phối hợp kiểm lâm và chính quyền cơ sở tổ chức các đợt thu gom, xóa bỏ các loại bẫy dùng bắt chim, thu gom xử lý số lượng lớn chim cò giả để tiêu hủy nhưng vẫn chưa ngăn chặn được hết các hành vi săn bắt, mua bán, tiêu thụ chim hoang dã.