Theo Ban Quản lý rừng tràm Trà Sư, đây là nơi trú ngụ của hơn 70 loài chim, 11 loài thú, 140 loài thực vật, trong đó có hai loài chim quý hiếm (giang sen, điêng điểng) và một loài thú (dơi chó tai ngắn) đã được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian qua, tại khu rừng này có hàng trăm con chim, cò, vạc bị săn, bắt trái phép. Vào mùa chim sinh sản, không khó để bắt gặp cảnh tượng chim, cò bị bắn chết nằm trên những tán cây hay trôi theo dòng nước cùng với hàng trăm quả trứng chim bị dập vỡ, trôi nổi. Những con chim, cò, vạc bị săn bắt, rồi bị mang ra các chợ vùng lân cận như chợ Nhà Bàng, chợ Voi, chợ Chi Lăng hoặc các nhà hàng, quán nhậu gần đó để bán. Bác Trần Văn Ngời, nhân viên Ban Quản lý rừng tràm Trà Sư cho biết: Từ đầu năm 2020, đơn vị đã thành lập đội chống “cò tặc” gồm tám người, thường xuyên tuần tra, canh gác cả ngày đêm nhưng vẫn chưa thể ngăn chặn được nạn săn bắt này. “Cò tặc” thường đi thành từng nhóm, mang theo các phương tiện săn bắt, hoạt động không kể ngày đêm, còn cử người theo dõi, canh gác, thậm chí đe dọa cả đội tuần tra. Vạc là loài chim bị săn bắt nhiều nhất, khiến số lượng các loài vạc ở rừng gần đây giảm mạnh. Từ đầu năm đến nay, lực lượng tuần tra đã phát hiện 33 lượt người xâm nhập vào rừng trái phép, riêng trong tháng 4 vừa qua, đội tuần tra phát hiện được 10 lượt xâm nhập trái phép. Tuy nhiên, tình trạng xâm nhập trái phép để săn bắt, bẫy chim vẫn còn tiếp diễn.
Tỉnh Cà Mau có gần chục vườn chim thiên nhiên, là nơi trú ngụ của hàng chục loài chim hoang dã, di cư, trong đó có những loài chim quý như giang sen, chàng bè, bồ nông chân xám, cốc đế… đồng thời cũng là điểm đến tham quan, du lịch ưa thích của nhiều du khách trong và ngoài tỉnh. Những năm gần đây, các vườn chim này ngày càng giảm số lượng loài do môi trường sống bị thu hẹp và tình trạng săn bắt, bẫy chim. Đã từ lâu, nhiều người dân địa phương coi đây là một nghề mưu sinh, kiếm sống. Họ sử dụng nhiều cách săn bắt chim như: giăng lưới, đặt bẫy, giăng câu, dùng súng đạn chì, nhựa dính… Những vườn chim lớn như: Chà Là (huyện Cái Nước), Ðầm Dơi (huyện Đầm Dơi)... từng có thời điểm có tới cả chục nghìn con với hàng chục loài chim, nhưng hiện nay số lượng đã giảm đi rất nhiều. Ngay cả Vườn quốc gia U Minh Hạ (thuộc hai huyện U Minh và Trần Văn Thời) cũng không còn là nơi trú ngụ an toàn cho động vật hoang dã, trong đó có các loài chim. Cùng với nạn săn bắt chim, tại các địa phương cũng xuất hiện nhiều nhà hàng, quán nhậu với các món ăn đặc sản được chế biến từ thịt chim trời. Thậm chí, ngay tại nhà hàng trong các khu du lịch sinh thái, các vườn chim cũng chế biến các món ăn được làm từ thịt chim, cò, vạc để phục vụ thực khách.
Tình trạng săn bắt, bẫy, mua bán, tiêu thụ công khai các loài chim hoang dã còn diễn ra ở nhiều địa phương khác thuộc các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như: Bạc Liêu, Tiền Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp,... Tại thành phố Cần Thơ có một số quán ăn đặc sản được chế biến từ thịt các loài chim thiên nhiên. Ở huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An có một chợ chim trời nằm trên quốc lộ 62 được xem là chợ chim lớn nhất miền Tây, nơi có nhiều loài chim quý được bày bán. Chỉ vì thú vui nhất thời, vì món ăn khoái khẩu, vì lợi ích kinh tế mà nhiều người đã quên đi lợi ích lâu dài của các loài chim thiên nhiên, làm cho một số loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, nhiều loài khác không còn môi trường sống an toàn. Mặc dù tình trạng săn bắt, mua bán, tiêu thụ chim hoang dã diễn ra công khai ở nhiều địa phương nhưng số vụ được cơ quan chức năng phát hiện và xử lý còn quá ít. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành cũng chưa đủ sức răn đe. Chính vì vậy, nhiều trường hợp từng bị phát hiện, xử lý nhưng vẫn tiếp tục tái phạm.
Việt Nam được xác định là một trong những khu vực quan trọng bậc nhất trong mạng lưới các tuyến đường bay của chim di cư và các loài chim đặc hữu. Các vùng chim hoang dã, di cư đã tạo nên cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, đồng thời mang lại các giá trị quan trọng cho đất nước ta, vừa góp phần đa dạng sinh học, vừa phát triển du lịch sinh thái. Tuy nhiên, tình trạng săn bắt, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư diễn ra trong một thời gian dài tại nhiều địa phương đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, cân bằng sinh thái, an toàn sức khỏe con người. Đề nghị các ngành chức năng sớm có biện pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng săn bắt chim hoang dã, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho người dân, xử phạt nghiêm các cơ sở kinh doanh, chế biến, tiêu thụ các loài chim thiên nhiên, đồng thời, tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển các vùng chim hoang dã, di cư quan trọng trên địa bàn.