Nhiều năm nay, gia đình anh Tuấn ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình coi việc bẫy bắt chim tự nhiên là một nghề kiếm sống. Đồ nghề bẫy chim là lưới giăng, que nhựa, keo bẫy chim, bộ loa máy phát tín hiệu tiếng chim và hình nộm. Không chỉ bẫy bắt, anh Tuấn còn mua chim từ những người đi săn rồi bán lại cho các nhà hàng, đại lý.
"Hành nghề" đã lâu nhưng anh Tuấn và các thành viên trong gia đình đều không ý thức được việc bẫy bắt chim tự nhiên là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Cũng không có lực lượng chức năng nào đến nhắc nhở anh hay xử phạt vi phạm đó. Không chỉ gia đình anh Tuấn mà hầu hết người dân địa phương đều không biết đến quy định cấm săn bắt chim hoang dã, chim di cư. Họ quan niệm "chim trời, cá nước" là "lộc trời cho" nên cứ vô tư săn, bắt. Mới đây, một nhóm thanh niên địa phương dùng súng hơi săn bắt được một số cò trắng và chim sẻ còn chụp ảnh, quay video rồi khoe trên mạng xã hội.
Hành vi săn bắt chim tự nhiên diễn ra phổ biến ở hầu khắp các làng quê trong một thời gian dài chính là nguyên nhân làm cho những cánh đồng, bãi triều, đầm phá, vườn sinh thái ngày càng ít đi những tiếng chim hót, thưa dần những đàn chim trở về làm tổ, sinh sản, mang đến một khung cảnh bình yên, tươi đẹp. Chim tự nhiên cạn kiệt cũng đồng nghĩa với hệ sinh thái bị suy giảm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh, điều phối viên dự án "Tăng cường quan hệ hợp tác nhằm bảo vệ các loài nguy cấp có ý nghĩa toàn cầu tại Việt Nam" cho biết: Việt Nam hiện đã ghi nhận được 918 loài chim, trong đó: 12 loài đặc hữu, 9 loài rất nguy cấp, 17 loài nguy cấp, 21 loài bị tổn thương, 44 loài bị đe dọa đã được ghi nhận trong danh sách đỏ của IUCN (là danh sách toàn diện nhất về tình trạng bảo tồn và đa dạng của các loài động vật và thực vật trên thế giới), bản cập nhật năm 2021, và 40 loài được ghi nhận trong sách đỏ Việt Nam.
Trong khi các loài chim tự nhiên giảm dần về số lượng thì ở các chợ dân sinh từ nông thôn đến thành thị, vẫn bày bán các loại "chim trời". Ngay tại Thủ đô Hà Nội, chim trời được bán công khai trên các tuyến phố như Linh Đường, Nguyễn Hữu Thọ, đại lộ Thăng Long…
Từ nhiều năm qua, các nhà hàng, quán ăn đặc sản chim trời, động vật hoang dã vẫn tồn tại và phát triển ở khắp ba miền: bắc, trung, nam. Trên các trang mạng xã hội cũng tràn ngập hình ảnh, địa chỉ mua bán "chim trời", trong đó có cả các loài quý hiếm, có tên trong sách đỏ.
Theo khảo sát của nhóm các tổ chức bảo tồn thiên nhiên thì tại một số "điểm nóng" quanh các khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển như các Vườn quốc gia Xuân Thủy, Cát Bà, Tràm Chim, Mũi Cà Mau; các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nam Bộ, nhiều loài chim hoang dã, chim di cư quý hiếm của Việt Nam và thế giới bị bẫy bắt, giết thịt, tàng trữ, tiêu thụ tại các chuỗi nhà hàng và các cơ sở buôn bán động vật hoang dã.
Ông Nguyễn Hoài Bảo, giảng viên Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cùng các đồng nghiệp đã có nhiều dự án nghiên cứu, báo cáo khoa học về chim di cư, hoang dã tại Việt Nam cho biết: "Qua các đợt đi thực tế, chúng tôi thấy việc bẫy chim di cư hoang dã ngày càng nhiều hơn, nhất là việc sử dụng lưới để bẫy chim có thế giết chết từng đàn lớn. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, làm mất cân bằng hệ sinh thái và dẫn đến những hệ luỵ như dịch sâu hại nông nghiệp, dịch bệnh cho con người".
Năm 2019, ông Nguyễn Hoài Bảo cùng Công ty Du lịch hoang dã Wildtour đã có văn bản gửi cơ quan chức năng các bộ: Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công an đề nghị có biện pháp ngăn chặn hoạt động bẫy bắt và buôn bán chim trái phép nhằm bảo tồn các loài chim hoang dã. Tuy nhiên, theo ông Bảo, qua các đợt khảo sát chim di cư ven biển, hoạt động bẫy bắt chim vẫn diễn ra rất nghiêm trọng. Nhiều nơi người dân không biết đến các quy định cấm săn bắt chim di cư, họ coi đây là lộc trời.
"Pháp luật hiện hành vẫn còn nhiều khoảng trống, đơn cử chỉ có hành vi xâm hại tới loài chim nguy cấp hoặc săn bắt các loài chim hoang dã trong khu bảo tồn thiên nhiên mới bị xử lý. Chúng ta cũng chưa quy định xử phạt những người tiêu thụ động vật hoang dã. Thế nên, lực lượng chức năng mới chỉ xử phạt chủ nhà hàng kinh doanh động vật hoang dã, còn thực khách thì vô can, trong khi chính họ là nguyên nhân gây hại đến sự sinh tồn của động vật hoang dã" - ông Bảo nói.
Ngày 25/5/2021, 18 tổ chức phi lợi nhuận Việt Nam và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã cũng có thư ngỏ gửi Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị các giải pháp cấp bách để ngăn chặn nạn tận diệt các loài chim hoang dã. Nội dung bức thư nêu: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp, tại Việt Nam nạn buôn bán tràn lan các loài chim hoang dã trên quy mô cả nước có thể làm bùng phát thêm các dịch bệnh khác có nguồn gốc từ động vật hoang dã, nguy cơ hủy hoại những nỗ lực và thành quả phòng, chống đại dịch Covid-19.
Để duy trì quần thể các loài chim và các loài động vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các chức năng hệ sinh thái, ngăn ngừa bùng phát dịch bệnh, nhóm các tổ chức bảo tồn thiên nhiên đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thực hiện sáu biện pháp. Trong đó, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định pháp luật có liên quan để bảo vệ các loài chim hoang dã, chim di cư, tăng cường chế tài xử lý các vi phạm; nghiêm cấm việc quảng cáo, sử dụng, mua bán trực tiếp, trực tuyến các công cụ bẫy bắt, tận diệt chim hoang dã, chim di cư và các loại công cụ, phương tiện chuyên dùng, tự chế khác; nghiêm cấm việc ăn thịt, giết mổ, tàng trữ, vận chuyển, mua, bán chim hoang dã, chim di cư; xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về bảo vệ chim hoang dã, chim di cư.
Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Trước diễn biến phức tạp của tình trạng săn bắt, tiêu thụ các loài chim di cư, gây sự tuyệt chủng của các loài chim và suy giảm đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng dự thảo Chỉ thị trình Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam, trong đó, phân rõ trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành và địa phương.
Việt Nam là thành viên của Công ước quốc tế Ramsar về bảo vệ các khu đất ngập nước quan trọng là nơi sinh sống của các loài chim di cư, đồng thời là thành viên của Đối tác bảo tồn chim di cư tuyến Úc - Đông Á. Do vậy, các hành động bảo tồn chim di cư là một trong những nhiệm vụ chiến lược quan trọng, thực hiện các nghĩa vụ, cam kết của Việt Nam đối với các công ước và hiệp ước quốc tế. Cùng với việc hoàn thiện hành lang pháp lý, thực thi pháp luật hiệu quả về bảo vệ chim hoang dã, chim di cư, chính quyền, cơ quan chức năng và tổ chức xã hội cần vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, kịp thời ngăn chặn và chấm dứt việc săn, bẫy, bắt chim hoang dã.