Quảng Bình: Gian nan vận động học sinh trở lại trường

NDO - Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, một số nơi ở miền núi, vùng sâu tỉnh Quảng Bình thường xảy ra tình trạng học sinh bỏ học do... mải vui chơi hoặc vào rừng lấy măng, làm rẫy giúp gia đình. Một số học sinh còn bị lôi kéo đi làm ăn xa. Để duy trì sĩ số học sinh, sau kỳ nghỉ, giáo viên phải đến từng nhà tuyên truyền, vận động các em trở lại trường.
0:00 / 0:00
0:00
Sau kỳ nghỉ Tết, các thầy, cô giáo ở Lâm Hóa vận động phụ huynh không đưa con lên rẫy để bỏ dỡ việc học tập.
Sau kỳ nghỉ Tết, các thầy, cô giáo ở Lâm Hóa vận động phụ huynh không đưa con lên rẫy để bỏ dỡ việc học tập.

Công việc đầu tiên ngay sau những ngày nghỉ Tết Quý Mão 2023 của những giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa là chia nhau đến từng bản để…tìm học trò. Công việc chẳng lấy gì làm hứng thú này với họ đã quen, và nếu như không làm nhiệt tình, nguy cơ bỏ học của học sinh đồng bào Mã Liềng (dân tộc Chứt) là rất cao.

Những ngày đầu xuân, mưa như rây hạt nhưng cũng đủ làm cho con đường từ trung tâm xã Lâm Hóa dẫn vào bản Kè khá trơn trượt. Trên chiếc xe máy cũ kỹ, cô giáo Hồ Thị Khánh Hòa cùng đồng nghiệp tất tả vào bản để vận động học sinh trở lại lớp học.

Cô Hòa và các giáo viên hài hước chia sẻ, sau Tết, thầy cô lại hành quân đi "bắt" học trò. Bởi lẽ, sau thời gian nghỉ Tết dài, học sinh theo bố mẹ lên rừng, lên rẫy không chịu đến lớp là chuyện bình thường ở xã vùng cao này. Đi rẫy cả tuần liền không về nên các thầy, cô phải tìm đường vượt rừng đến tận rẫy để đưa học sinh về đi học.

Có những trường hợp gặp ở nhà, các thầy, cô quay xe máy chở luôn học sinh về khu nội trú để duy trì việc học. Hiện nay học sinh của nhà trường được hỗ trợ chế độ bán trú với 3 bữa ăn/ngày.

“Do nhận thức của phụ huynh còn hạn chế nên khi vận động, thuyết phục chúng tôi phải khéo léo, nói cho họ biết việc học tập cái chữ Bác Hồ đối với con em họ là rất cần thiết cho cuộc sống sau này. Với trẻ em, chúng tôi thường mua sách vở, bút, quần áo, bánh kẹo để dỗ dành học sinh đến lớp. Tất cả đó giáo viên đều tự trích lương để mua chứ nhà trường không có nguồn nào để hỗ trợ cả”- cô Khánh Hòa chia sẻ.

Các giáo viên ở Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Lâm Hóa kể rằng, họ “ngán” nhất 2 chị em sinh đôi Hồ Thị Thể và Hồ Thị Thuyên ở bản Cáo xã Lâm Hóa. Cả 2 hiện đang học lớp 9 nhưng trước đây từng bỏ học rồi vào Thành phố Hồ Chí Minh làm thuê. Thương học sinh, các thầy, cô phối hợp với chính quyền địa phương tìm mọi cách để đưa 2 em trở về quê tiếp tục đi học.

Sau đợt nghỉ Tết Quý Mão vừa qua, em Hồ Thị Thể lại tiếp tục bỏ học, đón xe vào nam. Biết được thông tin, thầy hiệu trưởng phải xin số điện thoại nhà xe vận động, dùng phương tiện đuổi theo chiếc xe khách hàng chục km để khuyên ngăn và chở em Thể trở về lại trường học tập cùng các bạn.

Theo các thầy, cô giáo, với học sinh người Mã Liềng việc đến trường đầy đủ không chỉ để duy trì nhiệm vụ phổ cập mà còn ngăn trào lưu rủ rê, lôi kéo nhau bỏ học đi làm thuê xa nhà. Chỉ cần thiếu một em là các em khác rất dễ bỏ học đi theo.

Trưởng bản Kè Cao Thị Vân cho biết, chị thường xuyên đến từng nhà để nhắc nhở bố mẹ tạo điều kiện cho con cái đến trường nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện. Có nhiều gia đình đồng ý cho con đi học nhưng khi đến giờ vào lớp, giáo viên ở trường vẫn phải chịu khó chạy xe máy vào bản tìm học sinh.

Theo thầy giáo Trần Văn Dương, Phó hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Lâm Hóa, đồng bào Mã Liềng sống tập trung tại 3 bản: Kè, Cáo và Chuối với hơn 150 hộ, khoảng 650 nhân khẩu. Nhờ sự trợ giúp của Nhà nước, cấp ủy và chính quyền địa phương, người Mã Liềng đã có bước tiến dài trên hành trình xây dựng cuộc sống mới. Bà con biết chăn nuôi, trồng rừng để tạo lập cuộc sống.

Quảng Bình: Gian nan vận động học sinh trở lại trường ảnh 1

Một góc bản Cáo, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình).

Song những tập tục lạc hậu hằn sâu vào tiềm thức của họ vẫn chưa thay đổi nhiều, trong đó có việc học hành của con cái. Bố mẹ ít chăm lo, thậm chí là bỏ mặc việc học của con cái. Nhiều khi thầy, cô đến nhà vận động họ cũng không hợp tác. Trẻ em lên 10 tuổi đã nghỉ học để tập đi rừng với bố mẹ, lớn thêm vài tuổi nữa trở thành người đi rừng thực thụ. Công việc học bỏ dỡ.

Vì thế, dù đã đạt được những kết quả bước đầu song hành trình đưa cái chữ lên vùng cao Lâm Hóa còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc đưa học sinh đến trường và công tác phổ cập giáo dục ở các bản xa.

Năm học 2022-2023, Trường Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Lâm Hóa có 84 học sinh, trong đó có 50 em là người Mã Liềng. Ở đây, việc giữ học trò là nhiệm vụ không kém phần quan trọng bên cạnh nâng cao chất lượng dạy học. Với sự nỗ lực của các thầy, cô giáo, trong những ngày qua, có hàng chục em được vận động trở lại trường học. Tuy nhiên, hiện số lượng học sinh vắng học vẫn còn rải rác.

Có thể nói, đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi, tỉnh Quảng Bình, việc thay đổi nhận thức về học tập cho con em là vấn đề không hề đơn giản. Do vậy, ngoài sự nỗ lực của ngành giáo dục, sự tận tâm, yêu nghề của các thầy, cô giáo, rất cần sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền và các đơn vị, đoàn thể chính trị xã hội để công tác dạy và học ở vùng sâu đạt kết quả cao.