Gian nan vận động học sinh trở lại trường

NDO - Sáng đầu xuân, khi nhà nhà còn quây quần, du xuân thì quốc lộ 4H từ km 0 dẫn về huyện biên giới Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) đã có từng đoàn người di chuyển vội vã. Hầu hết thành viên trong các đoàn là giáo viên, họ trở về trường đúng ngày làm việc rồi lại tỏa đi các bản vận động học sinh trở lại trường…
0:00 / 0:00
0:00
Giáo viên Trường dân tộc bán trú tiểu học Leng Su Sìn vận động học sinh trở lại trường.
Giáo viên Trường dân tộc bán trú tiểu học Leng Su Sìn vận động học sinh trở lại trường.

Cùng thầy Tráng A Thào, giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Huổi Lếch về bản Nậm Hính 2, xã Huổi Lếch vận động học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, chúng tôi mới phần nào cảm nhận gian nan với giáo viên vùng cao. Quãng đường từ Trường về bản chỉ hơn 20 cây số vậy mà người quen lối thuộc đường như thầy Thào vẫn mất gần 2 giờ đồng hồ. Đường đi khó, dốc lên dốc xuống, nhiều đoạn dốc dựng ngược nên thầy Thào phải dồn hết sức ghì chặt tay lái để xe không theo đà dốc trôi đi. Bên đường, cây và lá nặng sương. Hai bàn tay thầy Thào tím thẫm vì buốt giá.

Gian nan vận động học sinh trở lại trường ảnh 1

Thầy Tráng A Thào (đầu tiên bên trái) về bản Nậm Hính 2, xã Huổi Lếch vận động phụ huynh đưa con trở lại trường.

Thầy Thào nói rằng: Ở đây, phần do đường đi lối lại khó khăn nên sau mỗi kỳ nghỉ dài (thường là nghỉ hè, Tết Nguyên đán) thì học sinh ngại trở lại học; nhiều em vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ đi làm ăn xa không có người nhắc nhở thì cũng nghỉ học; một số em lại muốn lấy vợ, lấy chồng cũng tìm lý do nghỉ học… Để học sinh trở lại trường đúng lịch tiếp tục học tập, trước mỗi kỳ nghỉ, Ban Giám hiệu nhà trường đã xây dựng kế hoạch, phân công giáo viên về từng bản tuyên truyền, vận động học sinh.

Nghe thầy Thào nói, tôi mới hiểu thêm những việc không tên mà rất gian nan với mỗi người giáo viên ở vùng cao biên giới. Lương không thêm, thưởng không có trong những dịp lễ, Tết; Ngày Nhà giáo Việt Nam hằng năm cũng không hoa, không quà vậy mà ngoài giáo án, bài giảng trên lớp họ vẫn cần mẫn về từng bản thăm hỏi, chăm lo từng em thơ.

Kể thêm khó khăn khi về bản tuyên truyền, vận động học sinh, cô Kiềng Thị Thời, giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Leng Su Sìn, xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé nhớ như in kỷ niệm đầu khi cô về nhận công tác tại trường.

Cô Thời cho biết: Lần đầu về bản tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp là năm 2011 em đã vô cùng bối rối, lo lắng vì bất đồng ngôn ngữ. Em là người dân tộc Tày, ngoài tiếng phổ thông và tiếng Tày thì em không biết tiếng dân tộc khác trong khi địa bàn em được phân công vận động học sinh lại hầu hết là con em dân tộc H’Mông và Hà Nhì. May nhờ đồng chí Bí thư đoàn xã hỗ trợ làm phiên dịch giúp nên năm đó em đã hoàn thành nhiệm vụ.

“Sau lần đó, em chủ động học thêm tiếng của dân tộc H’Mông, Hà Nhì giúp việc dạy trên lớp hiệu quả hơn. Và em cũng hiểu hơn tập quán, tình cảm của bà con dân bản nơi mình công tác” - cô Thời cho biết thêm.

Gian nan vận động học sinh trở lại trường ảnh 2

Cô giáo Kiềng Thị Thời vận động phụ huynh bản Cà Là Pá xã Leng Su Sìn cho con trở lại học tập.

Trao đổi thêm về việc tuyên truyền, vận động học sinh trở lại học tập của giáo viên trên địa bàn huyện biên giới Mường Nhé, thầy Phạm Thiết Chùy, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé, cho biết: Đồng bào dân tộc thiểu số ở Mường Nhé thường có tập tục ăn Tết dài ngày; sau Tết lại thường tổ chức các lễ hội vì đó nên bà con cũng cho con em nghỉ học vui lễ cùng gia đình. Để bảo đảm chất lượng, số lượng học tập, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã phối hợp các xã, đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn tổ chức các hoạt động cho nhân dân vui chơi Tết sớm hơn một chút. Đồng thời, trong các hoạt động đều có lồng ghép nội dung thông tin kế hoạch giảng dạy, học tập để học sinh, phụ huynh chủ động nắm bắt. Làm theo cách đó, đa số học sinh đã chấp hành, thực hiện tương đối tốt.

Tuy nhiên, với các trường hợp học sinh nhỏ tuổi ở bản xa lớp, xa trường; học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có bố mẹ, người thân ở gần hoặc học sinh có ý định lấy vợ, lấy chồng thì Ban Giám hiệu các trường giao giáo viên chủ nhiệm chủ động nắm bắt cụ thể từng hoàn cảnh để kịp thời động viên, hỗ trợ.

Nhờ có sự tận tâm, tận tình của các thầy, cô giáo và sự hỗ trợ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, bà con các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Mường Nhé đã có ý thức hơn với việc đưa con em trở lại trường đúng kế hoạch. Do vậy, hai năm trở lại đây không còn tình trạng lớp học trống nhiều chỗ sau lễ.

Gian nan vận động học sinh trở lại trường ảnh 3

Học sinh Mường Nhé trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết.

“Toàn huyện có 675 lớp với tổng số 17.246 học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Hôm qua (31/1) ngày thứ 2 trở lại học tập đã có 13.944 học sinh (80,85%) đến trường. So với các kỳ nghỉ trước thì tỷ lệ học sinh trở về trường năm nay đã thay đổi rất nhiều. Với số học sinh chưa đến trường, giáo viên đã gặp gỡ gia đình tìm hiểu được lý do, nguyên nhân. Vì vậy, cùng với việc giảng dạy trên lớp thì những ngày tới giáo viên toàn huyện sẽ tiếp tục về bản đưa học sinh trở lại trường” - thầy Phạm Thiết Chùy, cho biết.