Quảng Bình gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp và nhà đầu tư

NDO - Chiều 3/11, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình Trần Thắng chủ trì hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn nhằm hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp và nhà đầu tư tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội nghị gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp và chủ đầu tư của tỉnh Quảng Bình.
Quang cảnh hội nghị gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp và chủ đầu tư của tỉnh Quảng Bình.

Đồng chí Trần Thắng cho biết, dù còn rất nhiều khó khăn nhưng tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh 10 tháng đầu năm 2023 đạt được những kết quả tích cực. Nhiều dự án lớn tạo động lực và sức lan tỏa cho địa phương đang được triển khai.

Về thu hút đầu tư, trong 10 tháng năm 2023, tỉnh Quảng Bình phê duyệt chủ trương đầu tư 27 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư hơn 12 nghìn tỷ đồng, trong đó nổi bật là dự án “xây dựng nhà ga hành khách T2 và mở rộng sân đỗ máy bay-Cảng hàng không Đồng Hới” với tổng mức đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.

Sở Kế hoạch-Đầu tư cấp đăng ký thành lập mới cho 485 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký hơn 5.800 tỷ đồng, đưa tổng số doanh nghiệp trên địa bàn đạt gần 8.500 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký hơn 113.000 tỷ đồng.

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ở Quảng Bình còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu; sức ép lạm phát còn cao; các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, tiếp cận tín dụng còn khó khăn; nợ xấu có xu hướng tăng.

Các quy hoạch chưa được đồng bộ triệt để, công tác giải phóng mặt bằng tại một số địa phương thực hiện chưa hiệu quả, làm hạn chế khả năng tiếp cận đất đai của các nhà đầu tư và nhiều dự án bị kéo dài thời gian thực hiện.

Làm rõ thêm khó khăn hiện nay của doanh nghiệp trong tỉnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Bình Lê Thuận Văn cho biết, khó khăn nhất hiện nay của doanh nghiệp là việc tiếp cận vốn ngân hàng.

Riêng về gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, tỷ lệ giải ngân tại địa phương còn rất thấp. Nguyên nhân là do trong giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp thường kinh doanh đa ngành, đa nghề, ngân hàng khó tách ra được, trong khi doanh nghiệp không thể hoạch toán riêng cho từng lĩnh vực kinh doanh.

“Doanh nghiệp muốn tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp phải có quá trình sản xuất kinh doanh tốt, có dự án tái cơ cấu khả thi, có hiệu quả, có khả năng trả được nợ cũ và có tài sản thế chấp. Trong khi các doanh nghiệp muốn có vốn hoạt động trước đó đã mang tài sản thế chấp để vay vốn cho sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, đây là một trong những khó khăn chung của doanh nghiệp hiện nay”, ông Văn nhấn mạnh.

Đại diện các doanh nghiệp cũng phát biểu chia sẻ những khó khăn đang gặp phải hiện nay trong thực hiện các quy định về thuế đất, phòng cháy, chữa cháy…

Sau khi lắng nghe các ý kiến chia sẻ, kiến nghị xuất phát từ thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhà đầu tư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình Trần Thắng đề nghị lãnh đạo các ngành, đơn vị, địa phương tiếp thu các ý kiến, kiến nghị, đề xuất với tinh thần cầu thị.

Từ đó chủ động phối hợp cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư để giải quyết, hỗ trợ, tháo gỡ hoặc tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh đối với những vấn đề vượt thẩm quyền để kịp thời có biện pháp xử lý hiệu quả.

“Quan điểm của tỉnh Quảng Bình là tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Chính phủ, của tỉnh; phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật, triển khai các dự án đúng tiến độ cam kết”, đồng chí Trần Thắng nói.

Đối với các doanh nghiệp, đồng chí Trần Thắng đề nghị cần chủ động và sáng tạo hơn nữa trong sản xuất kinh doanh và đầu tư. Mạnh dạn tìm tòi và áp dụng công nghệ mới, quy trình mới, phương pháp quản lý mới, tìm kiếm những thị trường mới, nghiên cứu những sản phẩm, dịch vụ mới để từng bước nâng tầm thương hiệu và giá trị doanh nghiệp tỉnh Quảng Bình.