Đời sống - kinh tế

Đưa Quảng Bình đến gần với nhà đầu tư

Nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, Quảng Bình là tỉnh hội tụ nhiều yếu tố để các nhà đầu tư có thể biến ý tưởng thành hiện thực, là điểm đến nhiều tiềm năng đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh Quảng Bình nỗ lực tạo đột phá từ cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc cảng Hòa La. (Ảnh TL)
Một góc cảng Hòa La. (Ảnh TL)

Hội tụ tiềm năng

Với hệ thống giao thông thuận lợi và đồng bộ, gồm: sân bay Đồng Hới và cảng biển Hòn La, Quốc lộ 1A, hai nhánh đường Hồ Chí Minh đông và tây, đường sắt bắc-nam rất thuận lợi trong việc đi lại và giao thương hàng hóa. Đặc biệt, Quảng Bình còn có Quốc lộ 12A - con đường ngắn nhất nối Việt Nam với các nước Lào, Thái Lan.

Mặt khác, với diện tích tự nhiên khoảng 8.000km2, bờ biển dài hơn 116km, tỷ lệ che phủ rừng hơn 68% (đứng thứ 2 toàn quốc), giúp cho Quảng Bình có không gian rộng lớn, thuận lợi để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực lâm nghiệp, thủy sản.

Về du lịch, Quảng Bình có dải cát ven biển dài với nhiều bãi tắm sạch, đẹp; nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa tâm linh như: Đường Trường Sơn huyền thoại, hang Tám Cô…

Đặc biệt, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng hai lần được công nhận Di sản thiên nhiên thế giới có tính đa dạng sinh học cao. Hệ thống hang động hình thành cách đây hàng trăm triệu năm với nhiều tiêu chí nhất thế giới như: Sơn Đoòng là hang động lớn nhất thế giới, động Phong Nha có sông ngầm dài nhất thế giới, động Thiên Đường tráng lệ nhất thế giới.

Bên cạnh đó, Quảng Bình còn có suối nước nóng Bang có độ sôi tự nhiên 105OC, đang được xây dựng thành khu du lịch sinh thái theo mô hình Onsen của Nhật Bản, thích hợp cho du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh. Cùng với việc đầu tư hoàn thành đưa vào hoạt động các sân gôn đẳng cấp quốc tế, Quảng Bình hội tụ đủ các điều kiện để phát triển thành trung tâm du lịch lớn của Việt Nam và Đông Nam Á.

Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo đang dần khẳng định vai trò là đầu mối trung chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ khu vực trung Lào, đông bắc Thái Lan và tiểu vùng sông Mê Công. Khu kinh tế Hòn La là trung tâm động lực tăng trưởng của tỉnh, kết nối chặt chẽ với Khu kinh tế Vũng Áng theo quy hoạch Nam Hà Tĩnh-Bắc Quảng Bình. Đây sẽ là nơi đặt các nhà máy sản xuất, chế biến an toàn, hiệu quả của các nhà đầu tư.

Ngày 12/4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 377/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu, đến năm 2030 xây dựng Quảng Bình trở thành nền kinh tế năng động, với trọng tâm là ngành dịch vụ và du lịch; công nghiệp sạch, năng lượng tái tạo, chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao.

Lựa chọn thế mạnh để thu hút đầu tư

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 đưa Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền trung, địa phương này bám sát Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên cơ sở đó lựa chọn đầu tư phát triển các lĩnh vực trọng tâm có thế mạnh vượt trội.

Trước hết là phát huy tiềm năng, thế mạnh, nhất là các giá trị độc đáo nổi bật toàn cầu của Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng. Trên cơ sở đó định vị Quảng Bình là điểm đến du lịch hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á với hệ thống hang động hùng vĩ, hệ sinh thái đa dạng, khác biệt.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Quảng Bình mời gọi đầu tư các khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái đẳng cấp quốc tế kết hợp chữa bệnh, du lịch trải nghiệm gắn với hệ sinh thái rừng và cảnh quan thiên nhiên đặc sắc tại phân khu dịch vụ hành chính Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, đô thị du lịch Phong Nha và vùng đệm, vùng phụ cận. Các khu du lịch phức hợp nghỉ dưỡng, bất động sản cao cấp kết hợp thể thao, giải trí tại khu vực ven biển.

Thứ hai là lĩnh vực công nghiệp, đô thị, tỉnh kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng các Khu công nghiệp và Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch; xây dựng kết cấu hạ tầng, khu đô thị mới tại 16 đô thị được quy hoạch đến năm 2030, đặc biệt là các đô thị có nhiều dư địa phát triển như: Ba Đồn, Phong Nha, Dinh Mười, Kiến Giang. Quảng Bình kêu gọi đầu tư các trung tâm logistics và thương mại dịch vụ tại Khu kinh tế Hòn La và Khu kinh tế Cửa khẩu Cha Lo phục vụ vận tải hàng hóa trên tuyến đường xuyên Á.

Trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản: Toàn tỉnh có 120.700ha rừng trồng, sản lượng khai thác gỗ 0,5-0,7 triệu tấn/năm. Đến năm 2030, đất đai sử dụng cho mục đích nông, lâm nghiệp hơn 715.000ha. Đây là tiềm năng rất lớn để phát triển trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn. Do vậy, Quảng Bình khuyến khích doanh nghiệp đầu tư các dự án chế biến sâu gỗ rừng trồng xuất khẩu.

Bên cạnh đó là trồng cây dược liệu dưới tán rừng kết hợp phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng. Hình thành Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tập trung, gắn với chuỗi cung ứng nông sản hàng hóa; các dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Dọc theo bờ biển có 5 cửa sông chính, hình thành vùng mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản với diện tích khoảng 15.000ha. Ở vùng vịnh Hòn La với đặc điểm kín gió và nhiều rạn san hô, tỉnh sẽ hỗ trợ để phát triển nuôi thủy sản phục vụ xuất khẩu.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, Trần Thắng, để tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Quảng Bình đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong điều hành, quản lý của các cấp chính quyền. Áp dụng chính phủ điện tử trong đăng ký kinh doanh, hải quan, thuế bảo đảm nhanh gọn và hiệu quả.

Trung tâm Hành chính công tỉnh giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn theo cơ chế một cửa liên thông. Bộ phận tiếp nhận kiến nghị của nhà đầu tư, doanh nghiệp được thành lập để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, tỉnh Quảng Bình áp dụng mức ưu đãi cao nhất trong khung ưu đãi của Chính phủ; đồng thời có chính sách ưu đãi, hỗ trợ riêng của tỉnh đối với các dự án trọng điểm và các dự án khác thuộc lĩnh vực tỉnh khuyến khích đầu tư.

“Với mục tiêu “Đưa Quảng Bình đến gần nhà đầu tư”, tỉnh xác định tạo đột phá từ cải cách hành chính, chuyển từ nền hành chính quản trị sang nền hành chính phục vụ, tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn”- đồng chí Trần Thắng nhấn mạnh.