Quản trị chợ đầu mối theo hướng hiện đại

Hệ thống chợ đầu mối lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh đã lạc hậu, không còn theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Thành phố sẽ từng bước chuyển đổi hoạt động quản trị, kinh doanh để đưa hệ thống chợ đầu mối trên địa bàn tiến lên hiện đại.
0:00 / 0:00
0:00
Khu vực kinh doanh hải sản ở chợ đầu mối nông sản-thực phẩm Bình Điền.
Khu vực kinh doanh hải sản ở chợ đầu mối nông sản-thực phẩm Bình Điền.

Cách thức vận hành đã lạc hậu

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có ba chợ đầu mối nông sản, thực phẩm chính, bao gồm: Bình Điền (Quận 8); Thủ Đức (thành phố Thủ Đức) và Hóc Môn (huyện Hóc Môn). Cả ba chợ này hoạt động theo mô hình giao dịch, mua bán hàng hóa số lượng lớn, do đó lượng hàng tập trung về chợ rất lớn. Trong năm 2023, lượng hàng nhập vào ba chợ đầu mối trung bình khoảng 7.000 đến 8.500 tấn/đêm.

Tuy nhiên, theo Sở Công thương thành phố, mô hình hoạt động của chợ đầu mối tại thành phố hiện khá lạc hậu, chưa theo kịp sự phát triển kinh tế-xã hội. Sau 20 năm đi vào hoạt động kinh doanh, lượng hàng hóa về ba chợ đầu mối dần tăng cao.

Sự lạc hậu của ba chợ đầu mối thể hiện ở các mặt như: Chủ yếu tận dụng mặt bằng và các dịch vụ hỗ trợ cho người mua và người bán; giao dịch hàng hóa tại các chợ đầu mối được thực hiện theo phương thức trực tiếp; hệ thống hạ tầng và công nghệ còn những hạn chế nhất định; công tác kiểm tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm từ nguồn nuôi, trồng đến chợ chưa bảo đảm; tình hình kinh doanh, buôn bán tự phát lấn chiếm chung quanh chợ rất phức tạp, tác động tiêu cực đến môi trường.

Ghi nhận tại chợ đầu mối Bình Điền cho thấy. Người kinh doanh nông sản, thực phẩm trái phép buôn bán tràn ra lòng đường, lề đường; bày hàng hóa trực tiếp trên đường và vứt rác thải trực tiếp xuống đường. Điều này gây ảnh hưởng đến tình hình lưu thông chung quanh chợ và mất an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường tại khu vực, ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của các thương nhân tại chợ.

Đại diện Công ty Quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền cho biết, hiện nay, sản lượng hàng hóa về chợ bình quân khoảng 2.500 tấn/đêm, doanh thu ước khoảng 140-160 tỷ đồng/đêm. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay đặt ra nhiều thách thức cho quá trình phát triển bền vững, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2024 và cả những năm tiếp theo của chợ. Hai chợ đầu mối còn lại cũng gặp những khó khăn tương tự.

Nhanh chóng chuyển sang mô hình hiện đại

Để giải quyết những khó khăn, bất cập trên, ông Phan Thành Tân, Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền cho biết, đơn vị đã vận động thương nhân, đối tác, người lao động hạn chế sử dụng tiền mặt; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện công tác truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng vòng nhận diện; phần mềm quản lý tài chính-kế toán; quản lý nhân sự-tiền lương; quản lý khách hàng, nhà cung cấp; hệ thống kiểm soát ra vào chợ…

Nhờ đó, tình hình kinh doanh tại chợ đã có chuyển biến tích cực. Các chuyên gia cho rằng, mô hình vận hành của chợ không thể đứng ngoài xu hướng chuyển đổi số. Theo đề án “Phát triển hệ thống chợ tại thành phố thích ứng với bối cảnh dịch bệnh phát sinh và chuyển đổi số nền kinh tế” của nhóm nghiên cứu Trường đại học Kinh tế-Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), quá trình chuyển đổi số tại ba chợ đầu mối có thể thực hiện theo ba giai đoạn:

Chuyển đổi số mô hình kinh doanh; chuyển đổi số mô hình quản trị; kết nối tạo ra sản phẩm và dịch vụ mới. Việc chuyển đổi số giúp định hướng khách hàng, tham gia thị trường rộng hơn, không chỉ thị trường trong nước mà có thể tham gia xuất khẩu. Nếu như trước đây, chợ đầu mối chỉ là nơi tập hợp hàng hóa cung cấp cho các kênh bán lẻ, thì mô hình mới có thể mở rộng thêm dịch vụ logistics, cung cấp thông tin thị trường…

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố cho biết, thành phố đang nghiên cứu mô hình mới đáp ứng năm yêu cầu: Hình thành được mô hình chợ đầu mối theo hướng hiện đại, giải quyết vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm và bảo đảm nguồn cung lương thực ổn định; hình thành các hệ thống kiểm soát từ đầu vào, đến khi hàng hóa ra khỏi chợ về các kênh bán lẻ; chú trọng công tác xây dựng thương hiệu và hướng đến xuất khẩu; bảo đảm bộ máy quản lý, đáp ứng sự vận hành của một chợ đầu mối hiện đại; bảo đảm cơ chế thực thi đối với mô hình quản lý, vận hành chợ đầu mối trong bối cảnh chuyển đổi số.