Chống sa mạc hoá: Nhiệm vụ quan trọng cần thúc đẩy

Sau 12 ngày làm việc tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, Hội nghị lần thứ 16 Các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa (COP16) kết thúc mà không đạt kết quả.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ khai mạc Hội nghị lần thứ 16 các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa (COP16) tại Riyadh, Saudi Arabia ngày 2/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Lễ khai mạc Hội nghị lần thứ 16 các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa (COP16) tại Riyadh, Saudi Arabia ngày 2/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Dù rằng thời gian đàm phán kéo dài một ngày so với kế hoạch, song hội nghị không thể đạt được kỳ vọng về việc thông qua một quyết định mạnh mẽ có thể đảo ngược một trong những thảm họa môi trường dai dẳng và có sức tàn phá lớn nhất - đó là hạn hán. Trước những bất đồng còn tồn tại giữa các quốc gia, việc hoàn thành mục tiêu phục hồi 1,5 tỷ héc-ta đất vào cuối thập niên này của COP16 đứng trước nhiều thách thức.

Với chủ đề "Ðất đai của chúng ta. Tương lai của chúng ta", Hội nghị COP16 tại Riyadh đánh dấu kỷ niệm 30 năm Công ước Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa (UNCCD). Là hội nghị tập trung vào đất đai lớn nhất của Liên hợp quốc cho đến nay và cũng là hội nghị COP đầu tiên của UNCCD diễn ra tại khu vực Trung Ðông và Bắc Phi, hội nghị tập trung thảo luận tìm kiếm các hành động tập thể để đẩy nhanh khả năng phục hồi trước hạn hán và bão cát, phục hồi "sức khỏe" đất và mở rộng quy mô sản xuất lương thực tích cực với thiên nhiên vào năm 2030 và sau đó.

Hội nghị COP16 diễn ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang gây ra những đợt hạn hán ngày càng nghiêm trọng và kéo dài, kết hợp với nhu cầu lương thực tăng cao đang đẩy thế giới đến bờ vực khủng hoảng. Theo một báo cáo của Liên hợp quốc công bố trước thềm hội nghị, diện tích đất bị suy thoái trên toàn cầu hiện đã lên tới 15 triệu "kilomet vuông, lớn hơn cả Nam Cực và đang tăng thêm khoảng 1 triệu kilomet vuông mỗi năm. Theo tính toán, đất đai suy thoái sẽ cản trở các nỗ lực hạn chế phát thải khí nhà kính và bảo vệ đa dạng sinh học. Ngành nông nghiệp hiện chiếm 23% tổng lượng khí nhà kính, 80% nạn phá rừng và 70% lượng nước ngọt sử dụng. Với dân số ngày càng tăng, nhu cầu về lương thực, nước sạch và tài nguyên thiên nhiên ngày càng lớn, nếu không hành động quyết liệt để bảo vệ đất đai thì con người sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng như mất an ninh lương thực, di cư hàng loạt và xung đột. Ðể đảo ngược tình trạng này và ngăn chặn sa mạc hóa, báo cáo ước tính thế giới cần khoản đầu tư rất lớn lên tới 2.600 tỷ USD vào trước năm 2030.

Việc đầu tư khôi phục đất đai không chỉ là hành động bảo vệ môi trường, mà còn được cho là một khoản đầu tư thông minh. Tuy nhiên, việc huy động lượng vốn rất lớn sẽ là một thách thức lớn, nó không chỉ đòi hỏi các quốc gia phải xây dựng khung pháp lý chặt chẽ mà còn phải có các biện pháp khuyến khích khu vực tư nhân tăng cường đầu tư vào lĩnh vực này và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Theo các chuyên gia, phần lớn số tiền này (lên tới khoảng 1 tỷ USD/ngày) cần phải được huy động từ khu vực tư nhân. Hiện tại phần lớn tiền đầu tư cho khôi phục đất đai đến từ khu vực công và điều này là không hợp lý, bởi hoạt động sản xuất lương thực, thường do khu vực tư nhân nắm giữ, là nguyên nhân chính gây ra tình trạng suy thoái đất đai. Ngoài ra, hiện các nước mới chỉ đưa ra cam kết bảo vệ khoảng 900 triệu héc-ta đất, con số này là chưa đủ và cần phải đặt mục tiêu tham vọng hơn là 1,5 tỷ héc-ta, kết hợp với việc đẩy nhanh tốc độ bảo vệ đất.

Tại hội nghị vừa qua, các thành viên UNCCD (gồm 196 quốc gia cùng Liên minh châu Âu-EU) đã đạt được tiến triển đáng kể trong việc đặt nền móng cho cơ chế chống hạn hán toàn cầu trong tương lai và dự định sẽ hoàn tất cơ chế này tại COP17 diễn ra ở Mông Cổ vào năm 2026. Các bên sẽ tiếp tục đàm phán dựa trên những tiến triển đạt được tại Riyadh. Theo Thư ký điều hành UNCCD Ibrahim Thiaw, các bên cần thêm thời gian để nhất trí về giải pháp tốt nhất trong thời gian tới. Chống sa mạc hóa được coi là một trong những công cụ hiệu quả để giải quyết một số thách thức lớn nhất của thời đại như biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực, bất bình đẳng kinh tế, di cư cưỡng bức và thậm chí là bất ổn toàn cầu. Ðây là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà thế giới cần thúc đẩy và cần hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn, vì tương lai "sức khỏe" đất đai, một nhân tố sống còn đối với sự sống trên hành tinh xanh.