Ngày 14/11, nhóm chuyên gia cấp cao độc lập về tài chính khí hậu (IHLEG) công bố báo cáo cho biết, nguồn quỹ hỗ trợ các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu có thể sẽ cần phải tăng ít nhất lên 1.300 tỷ USD/năm vào năm 2035.
Báo cáo nêu rõ: "Nếu không có tiền đầu tư trước năm 2030, áp lực sẽ tăng lên trong những năm tiếp theo, tức là sẽ tốn kém hơn để đạt được sự ổn định khí hậu".
Báo cáo của IHLEG được công bố trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra ở Baku (Azerbaijan).
Các nhà đàm phán được kêu gọi hãy giải ngân tiền quyên góp ngay bây giờ, nếu không sau này sẽ phải đóng góp nhiều hơn để chuyển sang năng lượng xanh hơn và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Tài chính khí hậu là trọng tâm của các cuộc đàm phán COP29 và thành công của hội nghị sẽ được đánh giá dựa trên việc các quốc gia có thể thống nhất một mục tiêu mới về cam kết tài chính hằng năm mà các nước giàu hơn, các tổ chức cho vay phát triển và khu vực tư nhân dành để tài trợ các nước đang phát triển triển khai các hành động khí hậu.
Một nhóm gồm 10 công ty lớn nhất đã công bố kế hoạch tăng 60% nguồn tài chính cho khí hậu, lên 120 tỷ USD/năm vào năm 2030, trong đó có ít nhất 65 tỷ USD từ khu vực tư nhân.
Các biện pháp huy động tài chính mới được đề cập bao gồm đánh thuế các lĩnh vực gây ô nhiễm như hàng không, nhiên liệu hóa thạch và vận tải, hoặc các giao dịch tài chính.
Đề xuất này đã nhận được sự ủng hộ, nhiều nước cho biết sẽ xem xét. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khả năng đạt được bất kỳ thỏa thuận nào vào thời điểm này là rất thấp.
Cũng trong ngày 14/11, người đứng đầu Hiệp hội Ngân hàng Azerbaijan, ông Zakir Nuriyev công bố cam kết của 22 ngân hàng trong nước dành gần 1,2 tỷ USD để tài trợ cho các dự án giúp Azerbaijan chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp.