Nhiệm kỳ nhiều thách thức của Ba Lan

An ninh, năng lượng và năng lực cạnh tranh sẽ là những vấn đề ưu tiên của Ba Lan trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) nửa đầu năm 2025. Tiếp quản “ghế nóng” khi hàng loạt sóng gió chính trị cùng bất ổn kinh tế bủa vây các nước trong khu vực, Ba Lan xác định chặng đường sắp tới của nước này sẽ không trải hoa hồng.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk. (Ảnh: PAP/TTXVN)
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk. (Ảnh: PAP/TTXVN)

Trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Roberta Metsola ở thủ đô Vacsava của Ba Lan, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nhấn mạnh, các ưu tiên trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU của nước này, bắt đầu từ ngày 1/1/2025, sẽ bao gồm các vấn đề an ninh, độc lập về năng lượng và năng lực cạnh tranh của EU.

Ông Donald Tusk đề nghị châu Âu cần thể hiện tinh thần đoàn kết nội khối lớn hơn để đối mặt sự cạnh tranh từ bên ngoài. Dù thừa nhận Ba Lan gánh vác trách nhiệm lèo lái con tàu EU trong khoảng thời gian “khó khăn và then chốt” của những vấn đề địa chính trị có liên quan mật thiết tới liên minh, như cuộc khủng hoảng tại Ukraine, cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Belarus, các cuộc xung đột ở nhiều nơi trên thế giới…, Thủ tướng Ba Lan vẫn bày tỏ tin tưởng rằng, nhiệm kỳ Chủ tịch của Vacsava sẽ mang tính đột phá đối với EU.

Ba Lan đảm nhận chức Chủ tịch Hội đồng EU khi khối này vừa trải qua một năm nhiều sóng gió, nhất là với việc Ðức và Pháp, hai động lực kinh tế chính của Lục địa già rơi vào hỗn loạn chính trị. Những biến động chính trị tại hai quốc gia này gây lo ngại về tương lai, vị thế của liên minh trên trường quốc tế, cũng như đe dọa cản trở đà phục hồi kinh tế vốn rất mong manh của EU nói riêng và châu Âu nói chung.

Hiện Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang cố gắng tái thiết chính phủ, đồng thời cam kết sẽ hoàn thành nhiệm kỳ đến năm 2027. Còn ở Ðức, Thủ tướng Olaf Scholz và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đang vật lộn với khó khăn khi cuộc tổng tuyển cử sớm vào tháng 2/2025 ngày một đến gần nhưng các kết quả thăm dò cho thấy, tỷ lệ ủng hộ SPD không mấy khả quan.

Khủng hoảng chính trị tại Pháp và Ðức diễn ra vào thời điểm EU đang đứng trước nhiều thách thức an ninh, nhất là tình hình tại Ukraine. Việc ông Donald Trump chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ thứ hai dấy lên lo ngại rằng ông Trump có thể đưa ra các chính sách bất lợi cho EU liên quan Ukraine, khiến gánh nặng của EU về hỗ trợ Ukraine thêm nặng nề.

Về kinh tế, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mới đây nhận định, tăng trưởng kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ chậm lại trong ngắn hạn, với triển vọng trung hạn không chắc chắn. Chủ tịch ECB Christine Lagarde nhấn mạnh sự phụ thuộc của Eurozone vào thương mại mở và việc hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu, do đó dễ bị tổn thương trước các cú sốc bên ngoài.

Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Mỹ từng đề xuất đánh thuế 10% đối với hàng hóa từ châu Âu trong chiến dịch tranh cử của mình, gây nhiều bất lợi cho nền kinh tế EU. Ngành công nghiệp ô-tô Ðức, một trụ cột của nền kinh tế châu Âu, cũng trải qua giai đoạn khó khăn lớn. Các nhà sản xuất ô-tô của Ðức phải đối mặt nhiều thách thức như chi phí sản xuất cao, quá trình chuyển đổi sang ô-tô điện gặp khó khăn, nhu cầu giảm sút tại thị trường Trung Quốc, áp lực từ chính sách năng lượng, khí hậu.

Trong thời gian đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU vào sáu tháng đầu năm 2025, Ba Lan sẽ trải qua một sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, đó là cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 5/2025. Trước những lo ngại rằng sự kiện trong nước sẽ cản trở Vacsava dành ưu tiên cho chương trình nghị sự của EU, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề EU của Ba Lan Adam Szłapka chia sẻ với trang Politico rằng, các cuộc bầu cử, bao gồm cuộc bầu cử tổng thống ở Ba Lan, là một phần tự nhiên của nền dân chủ và sẽ không ảnh hưởng công việc của nước này tại EU. Giới chức EU tin tưởng, Ba Lan sẽ dẫn dắt EU hiệu quả, nhất là trong vấn đề an ninh, quốc phòng của khối.