Sự ổn định của châu Âu trong năm qua bị đe dọa nghiêm trọng, mở màn là làn sóng biểu tình liên quan Thỏa thuận Xanh châu Âu vào những tháng đầu năm 2024. Người nông dân ở Ba Lan, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Pháp, Đức, Italia… ồ ạt xuống đường biểu tình nhằm phản đối việc có nhiều gánh nặng chồng chất trên vai họ, từ chi phí sản xuất, giá năng lượng tăng vọt đến các quy định gắt gao về sử dụng thuốc trừ sâu. Họ cho biết cảm thấy “ngạt thở” với các chính sách quản lý của chính phủ, khi có nhiều quy định chồng chéo tạo ra những thủ tục hành chính phức tạp, nhất là các điều khoản chiểu theo tiêu chuẩn của Thỏa thuận Xanh châu Âu.
Tâm lý bất mãn của một bộ phận người dân đối với các chính sách quản lý chính là một phần nguyên nhân dẫn đến “cơn địa chấn” ở châu Âu vào giữa năm 2024. Kết quả cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) diễn ra vào tháng 6/2024 và một số cuộc bầu cử của các nước EU đã làm “rung chuyển” chính trường Lục địa già, với sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đảng cánh hữu, đe dọa lung lay tính thống nhất của EU.
Tại EP, hai nhóm cánh hữu gồm Khối Bảo thủ và Cải cách châu Âu (ECR) cùng Nhóm Những người yêu nước vì châu Âu (PfE) chiếm tổng cộng hơn 22% trong tổng số 720 ghế, tạo ảnh hưởng đáng kể về mặt chính sách. Trên thực tế, các đảng cực hữu như RN ở Pháp, AfD ở Đức, FPO ở Áo đã đưa ra nhiều cam kết, chính sách đánh trúng tâm lý của một bộ phận người dân. Triển vọng tăng trưởng kinh tế không khả quan khiến ngày càng nhiều người trẻ ở châu Âu chuyển sang ủng hộ các phe cực hữu.
Tình hình chính trị rối ren ở Pháp và Đức trong năm qua cũng đã đe dọa vị thế Lục địa già trên trường quốc tế. Tại Pháp, ông Francois Bayrou vừa trở thành người thứ tư ngồi vào “ghế nóng” thủ tướng nước này trong năm 2024. Chính trị gia trung dung kỳ cựu này đang đứng trước nhiều nhiệm vụ khó khăn để đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng chính trị, trong đó có kiềm chế thâm hụt ngân sách. Sự bất ổn chính trị của Pháp cũng làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu ông Emmanuel Macron có hoàn thành nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của mình, kết thúc vào năm 2027, hay không.
Trong bối cảnh ông Donald Trump chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ thứ hai và có thể đưa ra các chính sách thương mại gây bất lợi cho EU, triển vọng kinh tế của châu Âu được cho là khá ảm đạm, nhất là khi hai trụ cột kinh tế là Đức và Pháp đối mặt sóng gió.
Trong khi đó, chính trường Đức ghi nhận những diễn biến mới với việc Quốc hội liên bang bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính phủ thiểu số theo đề nghị của Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Kết quả không nằm ngoài dự đoán, với chỉ 207 phiếu ủng hộ, 394 phiếu phản đối và 116 phiếu trắng, Chính phủ của Thủ tướng Scholz đã không nhận được số phiếu ủng hộ quá bán và Thủ tướng Scholz phải yêu cầu Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier giải tán Quốc hội để tổ chức bầu cử sớm.
Trong bối cảnh ông Donald Trump chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ thứ hai và có thể đưa ra các chính sách thương mại gây bất lợi cho EU, triển vọng kinh tế của châu Âu được cho là khá ảm đạm, nhất là khi hai trụ cột kinh tế là Đức và Pháp đối mặt sóng gió. Ngân hàng Trung ương Pháp đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2025 xuống còn 0,9% từ mức 1,2% được đưa ra trước đó. Còn Ngân hàng Trung ương Đức dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ chỉ đạt 0,2% trong năm 2025, thấp hơn nhiều so với mức dự báo đưa ra hồi tháng 6/2024 là 1,1%.
Châu Âu bước vào năm 2025 với hàng loạt thách thức phức tạp như nguy cơ căng thẳng thương mại với Mỹ, tăng trưởng kinh tế trì trệ, trục Pháp-Đức lung lay làm ảnh hưởng đến vị thế quốc tế của EU… Các chuyên gia không loại trừ khả năng khủng hoảng chính trị tại Đức và Pháp sẽ lan rộng ra các quốc gia khác trong EU. Tờ El País của Tây Ban Nha nhận định, sẽ không thể có một châu Âu hùng mạnh nếu không có nước Đức và nước Pháp hùng mạnh.