Theo báo cáo từ Sở Xây dựng Hà Nội, sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án và các Kế hoạch triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội, tiến độ triển khai các công tác liên quan cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ rất chậm. Nguyên nhân chính được các quận, huyện phản ánh do vướng mắc trong công tác lập quy hoạch.
Cụ thể, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch phân khu đô thị thì một số nhà chung cư hiện trạng không phù hợp quy hoạch, như: nhiều vị trí nhà chung cư cũ quy hoạch xác định là khu cây xanh, công viên; chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc thấp từ 1 đến 5 tầng, dân số hiện trạng cao hơn dân số quy hoạch… Do bị hạn chế bởi số tầng cao công trình, dân số theo quy hoạch cho nên rất khó bảo đảm hiệu quả đầu tư, không hấp dẫn được các nhà đầu tư tham gia thực hiện cải tạo xây dựng lại nhà chung cư.
Chung cư cũ A7 Tân Mai, quận Hai Bà Trưng xuống cấp nghiêm trọng. |
Đối với công tác kiểm định, một số nhà chung cư không còn nguyên trạng. Nhiều hộ dân đã tự ý lấn chiếm khoảng không gian chung; sửa chữa, cơi nới căn hộ gây khó khăn cho công tác kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư khi các đơn vị chức năng khó xác định được ranh giới các khu chung cư.
Trong buổi tiếp xúc với Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội (Đơn vị bầu cử số 3) trước Kỳ họp 20 Hội đồng nhân dân thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026, nhiều cử tri quận Đống Đa phản ánh tiến độ cải tạo chung cư cũ quá chậm trễ.
Cử tri phường Ô Chợ Dừa đề nghị thành phố và Sở Xây dựng Hà Nội sớm có giải pháp, lộ trình cụ thể để đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố; đồng thời các đơn vị chức năng cần công bố kết quả kiểm định chất lượng các chung cư cũ để người dân thấy rõ mức độ nguy hiểm của các tòa nhà.
Trả lời kiến nghị của người dân, đại diện Ủy ban nhân dân quận Đống Đa cho biết, quận Đống Đa đã triển khai công tác kiểm định các nhà chung cư cũ và trình Hội đồng kiểm định thành phố. Dự kiến trong năm 2025 hoàn thành công tác kiểm định các nhà chung cư cũ trên địa bàn quận.
Bên cạnh đó, các quận, huyện có nhà chung cư chưa đánh giá hệ thống hạ tầng kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy; cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải; cấp điện, giao thông nội bộ và yêu cầu về cải tạo, chỉnh trang đô thị...
Kỳ vọng mới trong cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh, ngay cả các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đang triển khai cũng chậm so với tiến độ được phê duyệt do chủ đầu tư chưa thống nhất được phương án bồi thường, hỗ trợ, tạm cư, bố trí tái định cư do các chủ sở hữu căn hộ yêu cầu mức bồi thường quá cao, chủ đầu tư không thể cân đối hiệu quả tài chính. Hồ sơ pháp lý liên quan đến nguồn gốc sở hữu nhà không có dẫn đến khó khăn trong việc xác định cụ thể phần diện tích thuộc sở hữu nhà nước tại dự án...
Mới đây, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố đã chủ trì làm việc với các quận, huyện, sở, ngành về công tác triển khai thực hiện đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn khẳng định, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, gắn với tái thiết đô thị là nhiệm vụ quan trọng của Hà Nội nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Phó Chủ tịch thành phố giao Sở Xây dựng có báo cáo tổng thể, đánh giá những tồn tại, nhận diện hạn chế đối với các quận, huyện có nhà chung cư; đồng thời đề xuất các biện pháp xử lý tồn tại, bất cập trong việc thực hiện ủy quyền, báo cáo thành phố chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong thời gian tới.
Sở Quy hoạch-Kiến trúc phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các quận, huyện có nhà chung cư trong công tác lập quy hoạch, kịp thời tháo gỡ vướng mắc để chậm nhất trong quý I/2025 hoàn thành đợt 1, đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.