Hà Nội: Ra mắt Ban quản lý Hồ Tây

Sau một thời gian dài được quản lý bởi 8 sở, ngành, từ nay, Hồ Tây (Hà Nội) chính thức được giao cho Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ quản lý. Đây là tiền đề để quận Tây Hồ khai thác hiệu quả những tiềm năng, giá trị của Hồ Tây, nhất là trong phát triển du lịch, dịch vụ.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo quận Tây Hồ giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý Hồ Tây.
Lãnh đạo quận Tây Hồ giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý Hồ Tây.

Ngày 31/1, UBND quận Tây Hồ tổ chức lễ ra mắt Ban Quản lý Hồ Tây.

Đây là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ.

Ban Quản lý Hồ Tây có trách nhiệm giúp việc cho Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ quản lý toàn diện, tập trung, thống nhất khu vực Hồ Tây và vùng phụ cận; tổ chức, thực hiện nhiệm vụ quản lý khu vực Hồ Tây và vùng phụ cận trong phạm vi được giao theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố.

Ban Quản lý Hồ Tây cũng là đơn vị có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng các đề án, kế hoạch, quy hoạch về quản lý, đầu tư, sử dụng, khai thác Hồ Tây và vùng phụ cận; bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan, môi trường, bảo đảm cho việc phát triển bền vững khu vực Hồ Tây và vùng phụ cận; đồng thời thực hiện một số chức năng của chủ sở hữu công trình hạ tầng kỹ thuật khu vực Hồ Tây và vùng phụ cận khi được ủy quyền.

Hồ Tây là một thắng cảnh, địa danh văn hóa lịch sử nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội với diện tích mặt nước rộng lớn với 526ha. Chung quanh hồ có nhiều di tích văn hóa, lịch sử như: Chùa Trấn Quốc, chùa Kim Liên, phủ Tây Hồ...

Bên Hồ Tây có nhiều làng nghề nổi tiếng từ xa xưa như làng sản xuất giấy dó Kẻ Bưởi, trà sen Quảng An.

Sau một thời gian dài Hồ Tây được quản lý khá chồng chéo bởi nhiều cơ quan, đơn vị, ngày 10/1/2024, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành các Quyết định thành lập Ban Quản lý Hồ Tây và Quy định về quản lý và khai thác Hồ Tây.

Trong đó, Quy định về quản lý và khai thác Hồ Tây đã giao Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ là đầu mối quản lý toàn diện Hồ Tây trên các lĩnh vực: Quy hoạch, quản lý theo quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng đô thị; an ninh trật tự, trật tự đô thị và vệ sinh môi trường; quản lý mặt nước hồ, hạ tầng kỹ thuật chung quanh hồ; các bến thuyền và hoạt động của các phương tiện thủy trên hồ, cũng như các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hoá, thể thao, du lịch…

Việc thành lập Ban Quản lý Hồ Tây sẽ giúp UBND quận Tây Hồ triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 02 của UBND thành phố về ban hành “Quy định quản lý và khai thác Hồ Tây”.

Tại lễ ra mắt, Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng yêu cầu Ban Quản lý Hồ Tây khẩn trương xây dựng ngay quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ, nhân viên để có thể bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ; ưu tiên hàng đầu là tham mưu cho quận xây dựng Đề án “Quy hoạch, quản lý, bảo tồn, khai thác phát huy giá trị của Hồ Tây và vùng phụ cận” trình Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố bảo đảm chất lượng, tiến độ theo quy định.