Tây Hồ tạo sức bật từ chiều sâu văn hóa

Nhìn từ trên cao, quận Tây Hồ (Hà Nội) nổi bật giữa Thủ đô bởi mặt nước hồ Tây và những dải màu xanh bao quanh hồ nước lớn nhất ở nội đô. Không chỉ là một thắng cảnh bậc nhất của Thủ đô, hồ Tây còn gắn liền với những ngôi làng cổ, làng nghề, làng hoa và những di tích trải qua hàng trăm, hàng nghìn năm mưa nắng. Đó là những nền tảng để Tây Hồ định hướng phát triển trong tương lai.
0:00 / 0:00
0:00
Hội thề Trung hiếu ở đền Đồng Cổ mới được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hội thề Trung hiếu ở đền Đồng Cổ mới được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bài 1: Điểm tựa truyền thống

Dù đã chuyển mình thành một quần thể đô thị đáng sống, những lớp lang lịch sử ẩn dưới những di tích, những tán cây, những nếp nhà, những con ngõ vẫn luôn là những nét riêng của Tây Hồ. Trong bối cảnh thành phố Hà Nội đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, Tây Hồ coi những giá trị văn hóa truyền thống là nguồn lực, là điểm tựa để phát triển thành những sản phẩm công nghiệp văn hóa, góp phần thiết thực phát triển kinh tế-xã hội.

Nếu đứng từ đường Thanh Niên để ngắm nhìn hồ Tây, thì phía bên tay trái xưa là những làng nghề - vùng đất Kẻ Bưởi gắn với nghề làm giấy một thời "Mịt mờ khói tỏa ngàn sương/Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ" hay những tấm lĩnh Bưởi đã đi vào huyền thoại; phía bên tay phải là dải đất của làng cây cảnh Nghi Tàm, quất Quảng An, đào Nhật Tân...; còn phía xa xa, mảnh đất Xuân La từng là "ruộng quốc khố" dưới triều đại Lý, Trần. Ngay từ khi vua Lý Thái Tổ chưa định đô tại Thăng Long, Tây Hồ đã được định danh là vùng đất cổ của nước Việt.

Những ngôi làng cổ giờ chỉ còn trong ký ức. Những tòa nhà mới mọc lên, những cây cầu, tuyến đường được xây dựng. Địa bàn Tây Hồ giờ là khu vực đô thị năng động và đáng sống. Thế nhưng, dấu ấn của một vùng đất có bề dày truyền thống vẫn hiển hiện khắp mọi nơi.

Phía bên "làng nghề", di tích đền Đồng Cổ là nơi lưu giữ Hội thề Trung Hiếu ở đền Đồng Cổ gắn với giai đoạn phát triển ban đầu của vương triều Lý. Dẻo đất hẹp phía nam hồ Tây có một chuỗi các di tích: Đền Voi Phục (số 251 phố Thụy Khuê), chùa Thiên Niên, chùa Tĩnh Lâu... Bên bờ bắc hồ Tây cũng có nhiều danh tích. Nổi tiếng nhất là Phủ Tây Hồ, nơi lưu dấu truyền thuyết về cuộc trùng phùng kỳ thú khi Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan gặp Thánh Mẫu Liễu Hạnh trong một lần Thánh Mẫu giáng thế.

So với một số quận, huyện khác của Hà Nội, số lượng di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của Tây Hồ có thể không nhiều bằng, nhưng danh tích Tây Hồ lại mang một nét rất riêng. Khi xây dựng các không gian tín ngưỡng, người xưa thường chọn thế đất, hướng đình, hướng chùa, mỗi nơi một khác. Nhưng di tích ở Tây Hồ lại có một sự thống nhất. Hầu như tất cả các di tích đều quay mặt về phía hồ Tây, dù đó là chùa Trấn Quốc-công trình gắn với mong ước về một đất nước vững bền từ thời vua Lý Nam Đế, cho đến những đình, chùa, miếu mạo được xây dựng sau này. Danh tích Tây Hồ hài hòa với không gian mặt nước, cây xanh, mà không nơi nào có được.

Đô thị hóa thường khiến nghề nông mất đi, nhưng nhiều "làng lúa, làng hoa" đi vào thơ ca vẫn tiếp tục phát triển khi bước vào thời đại 4.0. Trước sự cạnh tranh của các làng hoa ven đô, người Tây Hồ chọn cho mình một lối đi riêng. Phần đông người Nhật Tân chuyển sang trồng đào thế. Với nghề truyền thống tích lũy qua nhiều thế hệ, đào Nhật Tân khác biệt hẳn so với những cây đào nơi khác.

Ông Nguyễn Văn Toàn, nghệ nhân trồng đào Nhật Tân cho biết: "Cây đào thế truyền thống của Nhật Tân luôn có sự cân đối hài hòa về tỷ lệ giữa gốc, cành, cành dăm. Không giống cây nơi khác, đôi khi người ta ghép những cành đào nhỏ vào gốc cây "khủng", khiến cây trông mất cân đối. Kỹ thuật trồng đào Nhật Tân cũng cho những bông đào to, sắc thắm, cánh nở căng".

Cạnh Nhật Tân là đất Tứ Liên, nơi có nghề trồng quất lâu đời. Cũng chỉ là những cây quất nhiều dáng thế khác nhau, được trồng trên một, hai sào ruộng, người ta đã có một vườn quất bạc tỷ. Nói đến Tây Hồ, không thể không nói đến sen bách diệp trứ danh. Mặc dù diện tích những đầm sen đã bị thu hẹp so với trước, nhưng nghề trồng sen, làm trà sen vẫn phát triển và trở thành một đặc sản của Tây Hồ.

Thủ đô đang bước sang một vận hội phát triển mới. Thành phố xác định rõ, văn hóa là nguồn lực quan trọng quyết định sự phát triển bền vững. Từ nhận thức này, tháng 2/2022, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045".

Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Tây Hồ Trần Thị Thu Hường chia sẻ: "Nhận thức rõ tiềm năng, thế mạnh của mình, Quận ủy Tây Hồ đã cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết 09-NQ/TU bằng việc ban hành Nghị quyết số 10-NQ/QU về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030", trong đó, quan điểm xuyên suốt của quận là phát huy nội lực, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế để xây dựng quận Tây Hồ thành trung tâm dịch vụ-du lịch, văn hóa của Thủ đô; tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng, lợi thế của Tây Hồ như: Du lịch văn hóa gắn với phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa; các sản phẩm làng nghề truyền thống, lễ hội truyền thống và không gian sáng tạo, nghệ thuật biểu diễn, ẩm thực...".

Cụ thể hóa định hướng phát triển công nghiệp văn hóa, Không gian biểu diễn nghệ thuật và ẩm thực đường phố quận Tây Hồ (phố đi bộ Trịnh Công Sơn, phường Nhật Tân) ra đời năm 2018 nay khoác lên mình "bộ cánh" mới. Ngoài việc cải tạo các không gian phục vụ khách tham quan, vui chơi, giải trí; bố trí lại các không gian ẩm thực, điểm nhấn của phố đi bộ là những đêm văn nghệ cuối tuần.

Các đêm diễn do chính cán bộ, nhân dân các phường hay các đoàn thể xã hội thay nhau tổ chức. Nhiều ca sĩ chuyên nghiệp sinh sống trên địa bàn các phường cũng nhiệt tình đóng góp cho các chương trình nghệ thuật của phường sở tại, giúp các chương trình được nâng tầm chất lượng.

Tây Hồ là vùng trồng hoa, ngoài các vườn hoa trồng để bán thành phẩm, quận còn có hai không gian chuyên trồng hoa để ngắm cảnh đẹp nhất thành phố là: Bãi đá sông Hồng, Thung lũng hoa hồ Tây, tạo cho du khách cảm nhận rõ nét về vẻ đẹp "Hà Nội 12 mùa hoa". Trước kia, khách tham quan chỉ dừng chân ở Tây Hồ chốc lát thì hiện tại, với việc kết hợp vẻ đẹp hồ Tây, hệ thống di tích, sản phẩm làng nghề, Tây Hồ có nhiều địa chỉ "giữ chân" du khách.

Cuộc sống ngày một hiện đại. Nhưng ở mảnh đất này, quá khứ và hiện tại đan cài lẫn nhau. Những nét đẹp quá khứ là động lực để Tây Hồ hướng tới tương lai.

(Còn nữa)