(Tiếp theo và hết) (*)

Tây Hồ tạo sức bật từ chiều sâu văn hóa

Bài 2: Vị thế một trung tâm văn hóa-du lịch của Thủ đô
0:00 / 0:00
0:00
Những chương trình biểu diễn nghệ thuật do chính cán bộ, đảng viên, nhân dân các phường thể hiện tại Không gian văn hóa sáng tạo quận Tây Hồ để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả.
Những chương trình biểu diễn nghệ thuật do chính cán bộ, đảng viên, nhân dân các phường thể hiện tại Không gian văn hóa sáng tạo quận Tây Hồ để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả.

Những danh lam thắng cảnh, di tích trên địa bàn quận Tây Hồ từ lâu đã là điểm dừng chân ưa thích của bất cứ du khách nào. Nhưng trước đây, nhiều hoạt động diễn ra một cách tự phát, khả năng “giữ chân” du khách không cao.

Nghị quyết về Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận Tây Hồ giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 tạo ra một xung lực mới. Quận triển khai bài bản việc đầu tư, xây dựng, quảng bá những sản phẩm văn hóa, từng bước khẳng định vị thế một trung tâm văn hóa-du lịch của Thủ đô.

Hồ Tây vốn được ví như một lẵng hoa, còn những địa danh: đường Thanh Niên, phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc, chùa Kim Liên, vườn đào Nhật Tân... là những bông hoa đẹp trên lẵng hoa ấy.

Song, lâu nay, khách chỉ thích “dừng chân” ở đây. Dừng chân chứ chưa phải là điểm đến. Lợi thế nhiều, nhưng khó khăn cũng không ít. Hồ Tây là thắng cảnh bậc nhất của Thủ đô, nhưng cùng lúc mấy cơ quan tham gia quản lý.

Sự chồng chéo, dẫn đến bất cập trong khai thác. Các điểm tham quan nằm rải rác quanh hồ, nhưng việc kết nối điểm đến chưa thuận tiện. Các doanh nghiệp kinh doanh văn hóa, du lịch quy mô nhỏ lẻ, tự phát, chưa bắt kịp xu thế phát triển của công nghiệp văn hóa.

Tây Hồ đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa trong bối cảnh như thế. Rất nhiều đầu việc phải làm. Có những việc tưởng như ít liên quan như xây dựng nếp sống văn minh trong giao tiếp, văn minh đô thị cũng được triển khai. Thực tế, đây là nhân tố tạo một môi trường thân thiện, sạch đẹp cho khách du lịch.

Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin quận Tây Hồ Chử Phùng Lệ Giang chia sẻ: “Đối với những nhân tố đóng vai trò trực tiếp, Quận ủy, Ủy ban nhân dân quận xác định những lĩnh vực tập trung đầu tư, phát triển thành sản phẩm công nghiệp văn hóa cụ thể. Thí dụ với phố đi bộ Trịnh Công Sơn, quận triển khai các biện pháp để đổi mới, nâng tầm chất lượng. Tây Hồ vốn có nghề trồng hoa, cây cảnh, để những vườn hoa tiếp cận được công nghiệp văn hóa, quận tạo điều kiện để cho doanh nghiệp, người dân phát triển kinh doanh dịch vụ tại Bãi đá sông Hồng, Thung lũng hoa giúp khách du lịch được ngắm hoa quanh năm và các dịch vụ khác để “giữ chân”. Khu vực vườn đào, vườn quất được quận đầu tư đồng bộ phát triển hạ tầng điện, đường, nước...; khuyến khích các nhà vườn tạo dựng cảnh quan để khách đến thưởng ngoạn. Khách đến sẽ được giới thiệu các loại đào, quất, quy trình trồng, chăm sóc cây cảnh... Khi đó, tiềm năng, lợi thế mới trở thành sản phẩm”.

Sau một thời gian gặp khó khăn, năm 2023, Không gian văn hóa, sáng tạo quận Tây Hồ tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn đã mang diện mạo mới. Dịp cuối tuần, nơi đây thường diễn ra các cuộc triển lãm, trưng bày, các cuộc thi, buổi biểu diễn văn nghệ, các trò chơi…

Riêng những đêm diễn văn nghệ có sự kết hợp giữa diễn viên quần chúng và diễn viên chuyên nghiệp đã trở thành bản sắc của Tây Hồ. Đầu tháng 12 vừa qua, phường Tứ Liên và Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao Tây Hồ “đăng cai” chương trình nghệ thuật “Khát vọng và niềm tin” với hơn 100 diễn viên quần chúng biểu diễn.

Trong đó không ít “nghệ sĩ” là những người chăm sóc, vun xới cho những cây quất trĩu quả. Họ cùng với những nghệ sĩ, ca sĩ chuyên nghiệp mang đến chương trình những tiết mục văn nghệ đặc sắc.

Xác định sản phẩm làng nghề là “nguyên liệu” hoặc những sản phẩm “thô”, quận Tây Hồ triển khai các dự án, đề án để biến những sản phẩm thô này thành sản phẩm.

Ngoài việc phát triển nghề trồng hoa thành những “Điểm du lịch 12 mùa hoa”, còn có các đề án, dự án: “Điểm du lịch, dịch vụ văn hóa và phục dựng mô hình làng nghề giấy dó, phường Bưởi”, “Trung tâm giới thiệu và thưởng thức trà sen Tây Hồ”, “Xây dựng hạ tầng kỹ thuật điểm giới thiệu quảng bá sản phẩm làng nghề hoa đào Nhật Tân, quất cảnh Tứ Liên, xôi Phú Thượng”...

Bà Nguyễn Thị Thân, hộ gia đình ướp trà sen ở phố Tô Ngọc Vân (phường Quảng An) chia sẻ: “Sản phẩm trà sen Tây Hồ được quận hỗ trợ quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, chúng tôi rất phấn khởi. Chúng tôi nhận thấy mình phải nắm bắt cơ hội để giữ tinh hoa nghề truyền thống, phục vụ thị trường tốt hơn”.

Đã có những đổi thay không hề nhỏ trong tư duy của những người thợ ướp trà sen như bà Thân, hay nhiều nghệ nhân, nông dân giỏi trồng quất, trồng đào... Họ trở thành những “viên gạch” trong “công trình công nghiệp văn hóa” mà quận Tây Hồ và cả thành phố đang triển khai xây dựng.

Các di tích trên địa bàn cũng chuyển mình. Phủ Tây Hồ sẽ trở thành không gian văn hóa sáng tạo trình diễn nghệ thuật truyền thống và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ.

Trưởng phòng Quản lý Di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh chia sẻ: “Hồ Tây sở hữu di tích độc đáo của tín ngưỡng thờ Mẫu là phủ Tây Hồ. Chúng tôi rất ủng hộ việc trình diễn nghệ thuật truyền thống và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trong không gian này. Nếu được quảng bá tốt, các hoạt động này sẽ tạo nên sức hút lớn với khách du lịch. Ngoài ra, quận có thể tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh vẻ đẹp của sen Tây Hồ, đào Nhật Tân... để thúc đẩy du lịch”.

Trong đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 mà Hà Nội đang lập, thành phố xác định năm trục phát triển, trong đó có ba trục gắn với quận Tây Hồ. Đó là trục Hồ Tây-Ba Vì kết nối trung tâm thành phố với vùng văn hóa xứ Đoài; trục Nhật Tân-Nội Bài là trục đô thị thông minh; trục không gian Hồ Tây-Cổ Loa là trục kết nối di sản đô thị. Đó là thời cơ để Tây Hồ tạo ra sức bật mới.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến nhấn mạnh: “Quận Tây Hồ đang tập trung xây dựng các không gian văn hóa sáng tạo, không chỉ phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của cộng đồng, mà còn để “đánh thức” nguồn lực và lợi thế của Tây Hồ. Quận sẽ tổ chức gắn kết các địa danh, di tích lịch sử-văn hóa, điểm du lịch chung quanh hồ Tây như Bãi đá sông Hồng, Thung lũng hoa, Không gian văn hóa sáng tạo quận Tây Hồ để hình thành những tuyến du lịch hoàn chỉnh, kết hợp du lịch văn hóa tâm linh, du lịch xanh, du lịch trải nghiệm, du lịch đêm...”.

Toàn bộ địa giới hành chính của quận Tây Hồ bao bọc lấy hồ Tây. Bởi thế, hồ Tây là “trục” chính mà các loại hình văn hóa-sáng tạo, du lịch phát triển quanh đó. Đó chính là điểm tựa để quận Tây Hồ tạo sức bật mới, khẳng định vị thế trung tâm văn hóa-du lịch của Thủ đô ■

(*) Xem Trang Hà Nội Báo Nhân Dân từ số ra ngày 15/12/2023.