Đầu tư xây dựng 80 công trình vùng đồng bào dân tộc thiểu số

NDO - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, từ năm 2021-2025, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La đã chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
0:00 / 0:00
0:00
Cầu bê tông vào bản Nậm Pù, xã Huổi Một đã được đầu tư xây dựng, giải quyết vấn đề khó khăn trong đi lại cho người dân.
Cầu bê tông vào bản Nậm Pù, xã Huổi Một đã được đầu tư xây dựng, giải quyết vấn đề khó khăn trong đi lại cho người dân.

Thời gian qua, huyện Sông Mã đã đầu tư hơn 74 tỷ đồng xây dựng 80 công trình và thực hiện duy tu các công trình tại 15 xã khu vực III, 4 bản đặc biệt khó khăn thuộc 3 xã khu vực I. Trong đó, có 15 công trình giao thông, 5 công trình thủy lợi, 46 nhà văn hóa, 7 cây cầu, 6 nhà lớp học và 1 dự án điện nông thôn.

Qua đầu tư xây dựng các công trình dân sinh, đã góp phần nâng tỷ lệ bản có đường giao thông từ xã đến trung tâm bản được cứng hóa đạt gần 55%; 97% số hộ được sử dụng điện lưới an toàn; gần 99% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Ủy ban nhân dân huyện Sông Mã đang tiếp tục lồng ghép, ưu tiên vốn đầu tư xây dựng dự án, công trình phục vụ người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, như: Cứng hóa hệ thống đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, nhà lớp học, nhà văn hóa xã, bản...

Đầu tư xây dựng 80 công trình vùng đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 1
Cùng với đầu tư xây dựng các công trình đường, điện, huyện Sông Mã cũng đã xây dựng nhiều nhà văn hóa tại các bản.

Huyện Sông Mã phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện tăng 2 lần so với năm 2020; 85% số bản có đường từ xã đến trung tâm bản được cứng hóa; 100% số xã có trường, lớp học được xây dựng kiên cố và giảm trên 20% số xã, bản đặc biệt khó khăn...

Sông Mã là huyện biên giới có 18 xã, 1 thị trấn, dân số gần 150.000 người, trong đó hơn 87% là đồng bào dân tộc thiểu số. Từ các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã tạo cho diện mạo nông thôn vùng cao biên giới Sông Mã ngày một đổi thay.