Xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo đã và đang tập trung kiểm tra, rà soát các công trình thủy lợi trên địa bàn để kiến nghị cấp có thẩm quyền đầu tư xây dựng cũng như khắc phục, sửa chữa những tuyến kênh bị bồi lắng, hệ thống cống xuống cấp. Hiện, địa phương có 33 tuyến kênh với tổng chiều dài hơn 51 km nằm trong hệ thống “ngọt hóa” Gò Công, cung cấp nước tưới tiêu cho tổng diện tích đất nông nghiệp của xã khoảng 1.500 ha.
Theo Ủy ban nhân dân xã Bình Phục Nhứt, xã đã xây dựng kế hoạch và thực hiện nạo vét bằng cơ giới các tuyến kênh nội đồng nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống hạn, mặn mùa khô năm 2024. Ông Nguyễn Văn Đảo ở ấp Bình Khương 1, xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo, cho hay: “Được chính quyền xã quan tâm nạo vét các tuyến kênh nội đồng, nông dân chúng tôi rất phấn khởi. Lòng kênh giờ đây thông thoáng, nguồn nước bảo đảm phục vụ cho tưới tiêu. Người dân sẵn sàng đóng góp, tạo điều kiện thuận lợi để các công trình thủy lợi được thực hiện nhanh chóng, đúng tiến độ”.
Năm 2023, huyện Chợ Gạo thực hiện 8 công trình nạo vét bằng cơ giới các tuyến kênh từ nguồn vốn của tỉnh với tổng kinh phí 2,2 tỷ đồng. Hiện, các công trình đã hoàn thành, nghiệm thu, đưa vào sử dụng. Ngoài ra, từ nguồn vốn của địa phương, huyện Chợ Gạo cũng thực hiện 4 công trình nạo vét các tuyến kênh với tổng kinh phí 864 triệu đồng…
Sau đợt hạn, mặn lịch sử năm 2019-2020, nông dân trồng sầu riêng tại các huyện phía tây rất lo sợ nước mặn xâm nhập vì loại cây này rất mẫn cảm với mặn. Có thời điểm, một số nông dân có vườn sầu riêng bị thiệt hại do mặn không dám trồng mới lại loại cây này. Nhận thấy khó khăn của nông dân, tỉnh Tiền Giang đã đầu tư 6 cống ngăn mặn dọc theo tuyến sông Tiền trên địa bàn các huyện Châu Thành, Cai Lậy nhằm ngăn mặn vào sâu trong nội đồng, tạo thêm niềm tin cho nông dân phục hồi lại diện tích cây trồng đang có giá trị kinh tế cao này.
Gia đình ông Nguyễn Tấn Ngọc (xã Phú Quý, thị xã Cai Lậy) trồng sầu riêng từ năm 2012. Sau đợt hạn, mặn năm 2019-2020, vườn sầu riêng hơn 0,2 ha của gia đình ông gần như chết hết. Ông Ngọc cho biết: “Sau khi sầu riêng chết, tôi cũng như bà con nơi đây rất băn khoăn trong việc trồng mới lại sầu riêng. Sau khi nghe tỉnh có chủ trương xây dựng các cống ngăn mặn lớn, gia đình tôi mới quyết định trồng lại sầu riêng. Đến nay, các cống ngăn mặn đã hoàn thành, đưa vào sử dụng nên người dân càng yên tâm hơn”.
Xác định tính cấp bách và tầm quan trọng của các cống ngăn mặn dọc theo tuyến sông Tiền, tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các nhà thầu tập trung nhân, vật lực đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm chất lượng và tiến độ. Đến thời điểm này, toàn bộ 6 cống ngăn mặn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, vượt tiến độ khoảng 3 tháng. Bên cạnh đó, cống âu Nguyễn Tấn Thành do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện đã đạt khoảng 47% tiến độ.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cai Lậy Võ Văn Nhanh cho biết, thời gian qua, khi chưa có các cống ngăn mặn trên đường tỉnh 864, địa phương gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng chống hạn, mặn. Hiện, 6 cống đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, người dân trồng cây ăn trái rất phấn khởi.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, dự báo, hạn mặn 2023-2024 sẽ rất phức tạp, vì vậy, địa phương đã chủ động xây dựng phương án ứng phó từ sớm, từ xa. Nếu không có kế hoạch ứng phó, thiệt hại rất lớn cho vùng cây ăn trái các huyện phía tây, đặc biệt là cây sầu riêng. Trước mắt, ngành nông nghiệp và các địa phương thống nhất vị trí đắp 3 đập thép nhằm ngăn mặn, trữ ngọt cho vùng trồng sầu riêng của huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy. Theo đó, 3 đập thép ngăn mặn trên địa bàn huyện Cai Lậy bao gồm: Trà Tân, Ba Rài, Phú An với tổng dự toán đầu tư khoảng 34 tỷ đồng.
Nhận định của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Tiền Giang, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023-2024 trên địa bàn tỉnh có khả năng ở mức cao hơn năm 2015-2016; trường hợp cực đoan, kéo dài xâm nhập mặn, có khả năng tương đương như mùa khô 2019-2020. Vì vậy, Tiền Giang đã đưa ra nhiều giải pháp công trình và phi công trình để ứng phó, như: Thực hiện cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng; nạo vét các tuyến kênh, khơi thông dòng chảy, sửa chữa kịp thời các cống không bảo đảm ngăn mặn, trữ ngọt…